Trên cơ sở cân đối nhu cầu điện và tiềm năng năng lượng sơ cấp trong giai đoạn này, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt đã xác định Nhiệt điện than đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW chiếm 49,3% lượng điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300 MW chiếm 53,2% điện sản xuất.

14963061_733744550107925_1316013001_n_adcw.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương – Hoàng Quốc Vượng khẳng định Bộ Công Thương luôn có trách nhiệm cao đối với việc đảm bảo cung cấp điện và bảo vệ môi trường.
Tại Hội thảo công nghệ nhiệt điện than và môi trường do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/11, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, tỷ lệ phát nhiệt điện than đang chiếm tới 34,37%, với tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than đạt 13.483 MW. Các nhà máy nhiệt điện chủ yếu sử dụng nguồn than sản xuất trong nước.

Để giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường trong nhiệt điện than, EVN cho rằng, phương thức thải xỉ khô được đánh giá là một trong những biện pháp tiết kiệm tài nguyên nước và năng lượng so với phương pháp thải xỉ ướt và là một giải pháp để thúc đẩy quá trình tái sử dụng tro, xỉ.

Đặc biệt, các nhà máy nhiệt điện than của EVN đều sử dụng hệ thống thiết bị lọc bụi bụi tĩnh điện hiệu suất cao. Quy trình xử lý bụi và khí thải là quy trình đầy đủ, phổ biến hiện nay của các nhà máy nhiệt điện đốt than trên thế giới.

Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nước làm mát tuần hoàn tại điểm đầu ra kênh thải luôn thấp hơn 40 độ C theo quy định.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện năng lượng, nếu năm 2010 tổng công suất nhiệt điện than là 17,6% thì đến cuối năm 2015 Việt Nam đã có 13.000 MW nhiệt điện chiếm 38,4%. Tốc độ tăng trưởng của nhiệt điện than từ năm 2000-2015 là 17%, sản xuất tới 80 tỷ kWh/năm.

Do đó, nguồn nhiệt điện than luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, từ gần 41% đến hơn 55% về công suất và từ hơn 49% - 55% về sản lượng. Nhiệt điện than có thời gian và chi phí đầu tư hợp lý, quy trình vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa có kinh nghiệm truyền thống và đặc biệt phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển như ở Việt Nam.

“Để giảm tỷ lệ nhiệt điện than không hề đơn giản vì rất khó tìm nguồn thay thế, trong khi các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ diễn ra sau 2025”, TS. Nguyễn Mạnh Hiến nói.

Nhằm giảm thiểu các tác động đến môi trường của các nhà máy nhiệt điện, nguyên Viện trưởng Viện năng lượng khuyến cáo, các nhà máy nên sử dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại cho các dự án mới. Đồng thời cải tiến, nâng cấp các dự án đang vận hành, đầu tư các thiết bị bảo vệ môi trường.

“Trong quá trình khai thác, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vận hành, từng bước đầu tư, xây dựng năng lượng tái tạo với lộ trình thích hợp cũng như tiếp tục triển khai sâu rộng chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng”, TS. Nguyễn Mạnh Hiến nêu rõ.

Cũng tại Hội thảo, TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam cho rằng, theo xu hướng chung, các nước đều dùng nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu điện năng trong phát triển kinh tế sau khi đã khai thác triệt để các nguồn thủy điện (giá thành nhiệt điện than rẻ hơn thủy điện trung bình 7 cent/kWh).

Trong khi đó, Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển mạnh về kinh tế, cho nên nhu cầu điện năng rất cao. “Khi đất nước đã trở nên giàu có mới nghĩ đến phát triển các dạng năng lượng khác như năng lượng tái tạo, bắt đầu hạn chế dần phát triển nhiệt điện than”, TS. Nghĩa nêu rõ.

Cũng theo TS. Trương Duy Nghĩa, để giảm thiểu tác động đến môi trường, các nhà máy nhiệt điện than đều cần phải sử dụng các biện pháp khử các chất độc hại trước khi thải ra môi trường. Ngoài ra, theo các chỉ số đánh giá tác động môi trường (DTM) đã được phê duyệt, các phương pháp xử lý chất thải phải áp dụng công nghệ hiện đại, có mức đầu tư lớn.

“Nếu chỉ số đánh giá tác động môi trường được thực hiện nghiêm túc, việc xử lý các chất thải độc hại tại các nhà máy nhiệt điện than sẽ không tác động đến môi trường. Tuy nhiên, các nhà máy nhiệt điện vẫn cần phải tổ chức quan trắc thường xuyên để đánh giá kết quả xử lý. Hơn nữa, do số lượng chất thải lớn nên hệ thống quan trắc cần được ghi chép tự động và nối mạng với hệ thống quan trắc chung”, TS. Trương Duy Nghĩa lưu ý.

Đánh giá về công tác bảo vệ môi trường đặc biệt là tại các nhà máy nhiệt điện than, Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng, trước những thông tin phản ánh về công nghệ nhiệt điện và môi trường, với trách nhiệm cao đối với việc đảm bảo cung cấp điện và bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19/10/2016 về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương nói chung, các nhà máy nhiệt điện nói riêng./.