Tây Nguyên có trên 1.400 công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ. Thời gian qua, khi các vụ vỡ đập thủy điện thủy lợi liên tiếp xảy ra khiến nhiều người dân sống phía hạ lưu các công trình này rất lo lắng về sự an toàn tài sản, tính mạng của mình, nhất là khi mùa mưa đã đến.
Cách đây một tuần, vào sáng 1/8, đê quai thủy điện Ia Krel 2 ở Đức Cơ, tỉnh Gia Lai bị vỡ. Nơi cách đây hơn một năm trước đã bị vỡ tung. Sự cố lần thứ hai không gây tổn thất về người, nhưng nỗi lo lại lớn hơn bao giờ hết. Trước hết là lo sự liều lĩnh của chủ đầu tư, dám đem tính mạng và tài sản của người dân đánh bạc với trời.
Một công trình thuỷ điện 5.5MW, dung tích hồ chứa hàng triệu mét khối nước mà thi công không đúng thiết kế, bớt xén cả những hạng mục quan trọng như mái bê tông chống thấm. Thậm chí, khi đập chính đã vỡ, lại dám đắp đê quai tạm bợ để tích nước trong mùa mưa Tây Nguyên, bất chấp yêu cầu của cơ quan chức năng và chính quyền sở tại.
Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai phân tích, chỉ vì ham tích một phần nước để vận hành máy nên việc tính toán lượng nước về hồ không đúng đã để xảy ra sự cố đáng tiếc này.
Việc vỡ đê quai Ia Krel 2 chẳng những mưu toan kinh tế của chủ đầu tư không đạt được, mà tài sản của dân và hơn 400 ha cây trồng cùng bị cuốn trôi theo dòng lũ.
Không chỉ riêng thủy điện Ia Krel 2 mà mấy năm gần đây, sự cố thuỷ điện nhỏ ở Tây Nguyên đã xảy ra liên tục, năm 2011 Thuỷ điện Đạm Bol, tỉnh Lâm Đồng bị vỡ ống dẫn đã làm 1 người chết 4 người bị thương; năm 2013, Thủy điện Đắc Mék 3 ở huyện Đắk Glây tỉnh Kon Tum bị vỡ gần trăm mét chiều dài mà hậu quả để lại không dễ gì bù đắp được.
Chỉ trong mùa mưa năm ngoái, đập thủy lợi Ea Đrăng bị sự cố, khiến cả vùng hạ du từ Ea Hleo đến Ea Súp ngập lụt, làm 11 người chết, hàng nghìn ha cây trồng mất trắng. Cũng thời gian này năm ngoái, 3 công trình thủy lợi khác ở Đắk Lắk cũng phải xẻ thân đập để tránh bị vỡ. Và nguy cơ này vẫn đang hiện hữu trong mùa mưa năm nay.
Ông Lê Gia Dậu, Giám đốc Công ty quản lý công trình thủy lợi tỉnh Đắk Lắk cho rằng, muốn đảm bảo an toàn hồ đập, phải có sự quản lý thống nhất, điều tiết nước trong cùng lưu vực một cách khoa học.
“Cần tìm ra được quy trình tích và xả nước hợp lý để cùng một công trình nhưng có khả năng phát huy hiệu quả cao nhất. Đặc biệt quan trọng là những hồ chứa có tính liên hoàn thì việc quản để đảm bảo an toàn là vấn đề cực kỳ quan trọng. Bởi nếu để xảy ra sự cố sẽ kéo theo một loạt công trình trên dọc suối và gây ra thảm họa dưới hạ lưu”, ông Dậu cho biết.
Để làm tốt được quy trình khai thác và vận hành hồ chứa, đòi hỏi những người quản lý phải có trình độ chuyên môn và hiểu biết về nó. Hiện nay Công ty quản lý công trình thủy lợi tỉnh Đắk Lắk đang quản lý hơn 10 công trình với lực lượng 160 con người.
Tuy nhiên, tại các địa phương quản lý tới 600 công trình nhưng lực lượng cán bộ thủy lợi, những người có chuyên môn thì thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đáng chú ý là một số công trình có quy mô tương đối lớn được giao về cho các thôn buôn, hoặc thậm chí là cho hợp tác xã nuôi cá quản lý, do vậy tình trạng để cho nước chảy qua đỉnh đập không phải là hi hữu.
Ông Lê Gia Dậu cũng cho biết một thực tế, việc dự báo lũ hiện nay ở Đắk Lắk cũng quá chậm so với thực tế. Do đặc điểm địa hình lưu vực nhỏ, độ dốc lòng sông lớn, nên thời gian tập trung lũ tại các công trình thủy lợi chỉ khoảng 3 - 7 giờ sau mưa. Nhưng hiện nay, tài liệu do cơ quan khí tượng thủy văn cung cấp có thời gian là 12 giờ, nên không thể dùng để điều tiết thủy lợi vì lũ đã xảy ra.
Theo ông Mai Trọng Dũng, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi Đắk Lắk, tỉnh này hiện có 140 hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, tổng nguồn vốn cần có để tu sửa dự kiến khoảng 700 tỷ đồng nhưng tỉnh chỉ có khả năng huy động được 20 tỷ đồng.
“Tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT cũng như các đơn vị liên quan và các địa phương phải phối hợp, có những phương án tạm thời để công trình không thể bị vỡ. Vào đầu mùa mưa phải đi kiểm tra rà soát lại tất cả những công trình, nhất là các công trình bị hư hỏng, để có biện pháp phối hợp sửa chữa. Đặc biệt là những công trình nào bị hư hỏng nặng sẽ nhất định không cho tích nước”, ông Dũng cho hay.
Khu vực Tây Nguyên hiện có khoảng 1.400 hồ đập thủy lợi và thủy điện. Trong đó nhiều hồ chứa thuộc diện mất an toàn, nhất là các thủy điện vừa và nhỏ. Ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: An toàn hồ đập không chỉ là nâng cấp các hồ đập, mà còn phải nâng cao năng lực quản lý. Do đó, các Sở NN&PTNT tăng cường quản lý an toàn hồ đập trong năm nay vì nguy cơ hồ đập năm ngoái bộc lộ rất lớn.
Thủy điện, đặc biệt là các công trình thủy lợi đã mang lại lợi ích to lớn đối với việc phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho hàng triệu người sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Tây Nguyên. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ra hậu quả khôn lường đối với tài sản, tính mạng của người dân vùng hạ lưu. Tai họa này có thể tránh được khi có một nguồn vốn kịp thời và một cơ chế quản lý chặt chẽ từ khâu khảo sát, thi công cũng như vận hành có trách nhiệm.
Bởi vậy mà trong cuộc làm việc với UBND tỉnh Gia Lai sau sự cố đập thủy điện Ia Krel 2, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã phải làm rõ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có liên quan, có thể phải sử dụng các biện pháp pháp luật nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
“Dù quy mô công trình nhỏ nhưng cũng cần được xem xét một cách hết sức cụ thể để đảm bảo việc thực thi pháp luật cho nghiêm túc. Những sai phạm trong phát triển thủy điện, nhất là những công trình mất an toàn, ảnh hưởng đến môi trường, gây thiệt hại cho người dân thì cần phải được xử lý một cách hết sức nghiêm túc và khẩn trương, làm bài học cho những chủ đầu tư khác”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết./.