Số lượng hồ hư hỏng chủ yếu là hồ chứa nhỏ

Hiện nay, cả nước có 6.648 hồ chứa thuỷ lợi với tổng dung tích trữ khoảng 11 tỷ m3, trong đó 560 hồ chứa lớn có dung tích trữ trên 3 triệu m3, 1752 có dung tích trữ từ 0,2 đến 3 triệu m3, còn lại là 4336 hồ có dung tích nhỏ hơn 0,2 triệu m3. Các địa phương đã xây dựng nhiều hồ chứa là Nghệ An, Thanh Hoá, Đăk Lăk, Hoà Bình, Tuyên Quang, Bắc Giang, Bình Định, Phú Thọ…

antoanhochua_gumo.jpg 

Nhiều hồ chứa ở Việt Nam đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn (Ảnh minh hoạ/KT)

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình đảm bảo an toàn hồ chứa đã đạt nhiều kết quả khích lệ. Đến nay, các hồ có dung tích lớn hơn 100 triệu m3 đã được sửa chữa, nâng cấp ở mức bảo đảm an toàn cao, các hồ chứa có dung tích hơn 10 triệu m3 và một số hồ có dung tích từ 3 triệu m3 nước trở lên bị xuống cấp cơ bản đã được sửa chữa, bảo đảm an toàn.

Tuy nhiên, số lượng hồ chứa có dung tích dưới 3 triệu m3 được sửa chữa không nhiều, hồ có dung tích dưới 1 triệu m3 cần sửa chữa nâng cấp còn lại rất lớn, ước tính khoảng 1150 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp và thiếu khả năng xả lũ cần phải sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn. Số lượng hồ hư hỏng chủ yếu là hồ chứa nhỏ. Trong khi đó, việc nắm bắt thông tin về hồ trong mùa mưa bão còn hạn chế, việc triển khai ứng cứu khi có sự cố thường chậm.

Trước thực trạng này, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, hệ thống hồ đập có vai trò rất quan trọng trong cung cấp nước phục vụ thuỷ điện, tưới tiêu, điều tiết phòng chống lũ… trong đó, rất nhiều hồ đập có vị trí rất quan trọng đối với an toàn ở vùng hạ lưu. Do đó, việc đảm bảo an toàn hồ đập là đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, hiện năng lực quản lý dù đã rất cố gắng, nhưng công tác này còn rời rạc, chưa có hệ thống. Việc đảm bảo an toàn cho vùng hạ du đã được triển khai trên một số dự án, nhưng trên diện rộng thì còn hạn chế.

Cùng quan điểm này, bà Bà Keiko Sato, Giám đốc phụ trách hoạt động và chương trình đầu tư, Ngân hàng Thế giới, cũng đánh giá: Vấn đề về an toàn hồ đập đang rất bức xúc ở Việt Nam. Bởi vì, Việt Nam có số lượng hồ đập rất lớn, nhưng trong đó nhiều hồ không được xây dựng theo tiêu chuẩn cao và chất lượng cao; việc nâng cấp, duy trì bảo dưỡng chưa được thực niện hợp lý. Thực tế, cùng với tác động của thiên tai, đã có những ảnh hưởng từ mất an toàn hồ đập đến đời sống người dân. Với tác động của biến đổi khí hậu, rủi ro từ thiên tai cho con người ngày càng tăng.

Do đó, bà Keiko Sato khuyến cáo rằng, “Việt Nam cần thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách để đảm bảo an toàn hồ đập cả từ góc độ thể chế và kỹ thuật. Trong đó, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan là rất quan trọng và cấp thiết”.

Các hồ nhỏ mức độ mất an toàn càng cao

Là tỉnh có số lượng hồ chứa lớn nhất cả nước, tới 625 hồ đã được xây dựng, tỉnh Nghệ An cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo an toàn hồ đập. Bởi phần lớn các hồ đập đã có thời gian sử dụng từ 30-40 năm, cá biệt có hồ đã được xây dựng cách đây trên 50 năm. Do đó, các hồ này đã được xây dựng theo quy trình quy phạm cũ, thi công không đồng bộ…  

Trong khi đó, công tác vận hành, quản lý hồ cũng có nhiều hạn chế. Đơn cử, với các hồ chứa do xã, hợp tác xã quản lý thì việc duy tu sửa chữa thường xuyên không thực hiện, hoặc quản lý nhưng không có hồ sơ công trình, tài liệu thiết kế ban đầu; người quản lý chưa qua lớp đào tạo, không chuyên trách…

Ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết: Những nguy cơ mất an toàn hồ đập là hiện hữu, trong khi đó vốn đầu tư sửa chữa đã ít lại dàn trải, nhiều hồ đập chưa được đầu tư. Khi sửa chữa, việc giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn do việc lấn chiếm lòng hồ, hành lang đập, tràn. Cùng với đó, phân cấp quản lý xây dựng đầu tư còn chưa hợp lý; chưa có kinh phí đánh giá chất lượng an toàn đập…

Để sữa chữa, nâng cấp các hồ tại tỉnh, ông Đệ cho biết, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, riêng giai đoạn 2014-2016 cũng đã cần tới 487 tỷ đồng phục vụ cho 42 hồ ách yếu, còn đối với trên cả tình phải cần tới 1.137 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này lớn, ngân sách địa phương không đủ sức.

Chia sẻ những khó khăn của tỉnh Nghệ An, đại diện Tổng công ty tư vấn xây dựng Thuỷ Lợi Việt Nam, cho biết, trên cả nước, công tác sửa chữa nâng cấp chỉ mới tập trung được cho các hồ có dung tích trên 3 triệu m3, còn các hồ nhỏ hơn hầu như chưa được thực hiện nên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn rất cao trong các mùa mưa lũ sắp tới. Thực tế, các hồ nhỏ mức độ mất an toàn càng cao, đặc biệt nguy hiểm đối với những hồ ở cao phía trên khu dân cư ở miền núi phía Bắc./.

Tại Hội thảo “Đảm bảo an toàn hồ đập-thực trạng, thách thức và giải pháp” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hôm nay (10/7), nhiều chuyên gia trong và ngoài nước khuyến cáo: Ở Việt Nam, nhiều hồ đập tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, do đó cần cấp bách hành động thiết thực để đảm bảo an toàn hồ đập và đời sống người dân có nguy cơ chịu tác động từ rủi ro hồ đập. Trong đó, cải cách thể chế quản lý và đầu tư hạ tầng, kỹ thuật xây dựng, sửa chữa, vận hành là rất quan trọng và cấp thiết.