Một phái đoàn thương mại hùng hậu của Mỹ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu đang ở thăm Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Trong ngày hôm nay (4/5) sẽ tiếp tục đàm phán với giới chức nước này, nhằm tháo gỡ những bất đồng thương mại hiện nay giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới.
Hiện dư luận, đặc biệt là giới đầu tư toàn cầu đang nín thở theo dõi cuộc tham vấn thương mại song phương này giữa lúc đối đầu thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ bùng phát thành một cuộc chiến thương mại với tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Nội dung đàm phán lần này chủ yếu xoay quanh chủ đề tăng thuế nhập khẩu với hàng hóa hai bên, một loạt những khiếu nại của Mỹ về các hoạt động thương mại của Trung Quốc, việc Trung Quốc ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ, đến những khoản trợ cấp chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ…
Mỹ và Trung Quốc đều đặt kỳ vọng sẽ giải quyết khúc mắc thương mại chỉ trong 1 vòng đàm phán. (Ảnh minh họa: KT) |
“Chúng tôi hoan nghênh việc hai bên tiến hành các cuộc đàm phán và tham vấn, nhưng chúng phải dựa trên nền tảng công bằng và tôn trọng lẫn nhau theo hướng kết quả đàm phán phải cùng có lợi cho hai bên và cùng thắng”, bà Hoa Xuân Doanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng lưu ý rằng, sẽ là điều không thực tế khi đặt kỳ vọng giải quyết mọi vấn đề chỉ trong 1 vòng đàm phán.
Trên thực tế, giới chuyên gia cũng nhận định, kết quả khả quan nhất của cuộc tham vấn này là việc hai bên nhất trí tiếp tục đối thoại song phương, rất khó có một kết quả đột phá có thể làm thay đổi cơ bản các chính sách kinh tế hiện hành của Trung Quốc cũng như việc giải quyết triệt để mâu thuẫn thương mại Mỹ- Trung thời gian qua.
Dẫu vậy, cuộc tham vấn thương mại song phương lần này vẫn được trông đợi sẽ chứng kiến việc Trung Quốc có thể đưa ra một gói các biện pháp ngắn hạn, nhằm trì hoãn quyết định của Mỹ về áp đặt thuế quan lên lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá khoảng 50 tỷ USD.
Cụ thể hơn, các chuyên gia thương mại Mỹ kỳ vọng, Trung Quốc sẽ đưa ra cho phái đoán Mỹ một gói thay đổi chính sách bao gồm bãi bỏ dần các quy định bắt buộc các công ty nước ngoài lập liên doanh với các đối tác Trung Quốc trong một số lĩnh vực, giảm thuế nhập khẩu ô tô và tăng mua hàng hóa Mỹ.
Đây được xem là cuộc tham vấn cao nhất giữa hai bên, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp mức thuế 50 tỷ USD lên hàng hóa từ Trung Quốc vào đầu tháng 4/2018. Sau đó, phía Bắc Kinh đã nhanh chóng có biện pháp đáp trả tương tự.
Chính vì vậy, cuộc tham vấn lần này còn được xem là cơ hội tốt, tạo tiền đề để Mỹ - Trung từng bước hóa giải các bất đồng vốn đang tiếp tục bị đẩy lên cao, với nguy cơ có thể biến thành một cuộc chiến thương mại. Nếu viễn cảnh này xảy ra, cả Mỹ và Trung Quốc đều phải gánh chịu những thiệt hại về kinh tế với các mức độ nhất định tùy theo từng lĩnh vực.
Thực tế, thương mại Mỹ - Trung đang trong giai đoạn căng thẳng nhất từ trước tới nay với các hành động “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau. Chính vì vậy, theo các nhà phân tích, vào thời điểm này, đối thoại trên tinh thần xây dựng để tìm ra nguyên nhân gốc rễ của từng vấn đề gây căng thẳng giữa hai bên vẫn là ưu tiên số 1.
Giống như tỷ phú Jack Ma nhận định, thương mại không đơn giản chỉ là về hàng hoá mà là tôn trọng các nền văn hoá khác nhau và rằng, việc thổi bùng lên một cuộc chiến tranh thương mại không phải là cách để giải quyết những xích mích giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua.
Quan điểm này cũng trùng với quan điểm của nhiều nhà quan sát khi cho rằng, Trung Quốc và Mỹ chỉ có thể đạt được một thỏa thuận cả hai bên cùng chấp nhận, hướng tới giải quyết mâu thuẫn, nếu các bên thể hiện mong muốn thực tế cùng nhượng bộ lẫn nhau./.
Trung Quốc hy vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung có lợi cho đôi bên