Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố thêm 1300 mặt hàng Trung Quốc có thể bị đánh thuế. Trong khi Bắc Kinh cảnh báo sẽ đáp trả bất cứ khoản thuế thương mại mới nào mà Washington áp đặt với các biện pháp có cùng quy mô và mức độ. Điều đáng lo ngại nhất là phạm vi ảnh hưởng của các hành động “ăn miếng trả miếng” không chỉ dừng lại như vấn đề của chỉ hai nước, mà đang có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại trên quy mô toàn cầu.

Hãng tin CNN hôm nay (4/4) đưa tin, Mỹ có kế hoạch đánh thuế 25% đối với 1300 mặt hàng Trung Quốc và xem đây như “đòn trừng phạt” với cáo buộc Bắc Kinh "trộm bí mật thương mại", bao gồm phần mềm, bằng sáng chế và các công nghệ khác của Mỹ. Kế hoạch áp thuế bổ sung với hàng hóa từ Trung Quốc được công bố sau khi Mỹ điều tra cáo buộc Trung Quốc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ.

Ngay lập tức, Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã ra tuyên bố lên án và phản đối mạnh mẽ danh sách đề xuất mới mà Mỹ vừa đưa ra và cho biết Trung Quốc dự định đưa vấn đề này ra Tổ chức Thương mại Thế giới. Đồng thời, Trung Quốc sẵn sàng có các biện pháp “trả đũa” với quy mô và sức mạnh tương đương nhằm với hàng hóa Mỹ.

my_trung_kdkd_lvln.jpg
Ảnh minh họa: AP

Trong một tuyên bố trước đó, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải khẳng định: “Về quyền sở hữu trí tuệ, Trung Quốc đang tăng cường các nỗ lực, củng cố hệ thống pháp luật của chúng tôi về vấn đề này và chúng tôi đang đạt được những tiến triển tốt. Chúng tôi sẽ xem xét các trường hợp cụ thể và nếu có bất kỳ vi phạm nào liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, chúng tôi sẵn sàng giải quyết vấn đề này theo luật của riêng chúng tôi. Và chúng tôi cũng sẵn sàng hợp tác với quốc tế trong lĩnh vực này.”

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh, Trung Quốc hy vọng “giải quyết các khác biệt thương mại với Mỹ thông qua đối thoại và tham vấn”. Tuy nhiên, vị quan chức này vẫn cảnh báo đối thoại phải diễn ra dưới sự tôn trọng và công bằng và rằng Trung Quốc sẽ “chiến đấu đến cùng” nếu bị đẩy vào một cuộc chiến thương mại.

Hiện khó có thể nói rằng Mỹ hay Trung Quốc bên nào sẽ chịu thiệt nhiều hơn, nhưng chắc chắn cả hai đều không thể tránh khỏi bị tổn hại khi một cuộc chiến thương mại thực sự nổ ra, nhất là khi quan hệ Mỹ - Trung là một trong những mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới hiện nay.

Quan hệ kinh tế thương mại không chỉ được xem là “hòn đá tảng” mà còn là cỗ máy thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên. Vì vậy, sẽ luôn là canh bạc lớn khi hai bên cố lao vào cuộc chiến với những tổn thất có thể nhìn thấy trước. Tổng thống Mỹ Donald Trump chắc chắn sẽ phải thận trọng cân nhắc từng hành động nếu không muốn chứng kiến các doanh nghiệp Mỹ, sau đó là người tiêu dùng Mỹ chịu ảnh hưởng khi mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất và cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Mỹ đứng trước những sóng gió.

Với Trung Quốc cũng vậy, liệu cánh cửa đầu tư vào thị trường Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc có bị khép lại khi các bất đồng thương mại giữa hai bên không sớm được giải quyết. Cũng sẽ là bất lợi với Trung Quốc khi không được Mỹ và Liên minh châu Âu công nhận là nền kinh tế thị trường.

Đó là chưa kể đến căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc còn được các chuyên gia cảnh báo có thể lôi kéo thêm nhiều nền kinh tế khác vào cuộc, đồng thời châm ngòi cho cuộc chiến thương mại quy mô toàn cầu. Hiện các nước như Nhật Bản, Australia và nhiều nền kinh tế khác ở châu Á, đã không giấu sự lo ngại về những tác động từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong trường hợp một cuộc chiến tranh thương mại xảy ra.

Thêm nữa, làn sóng mới về chủ nghĩa bảo hộ cũng được cho là sẽ khiến thế giới khó ứng phó trước những nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu trong tương lai. Xét từ khía cạnh thuế nhập khẩu hàng hóa tăng làm giảm sức chi tiêu của người tiêu dùng. Rõ ràng, vào thời điểm này, các nền kinh tế đang “nín thở” theo dõi động thái thương mại từ cả Mỹ và Trung Quốc, kỳ vọng hai bên sẽ tiếp tục mở những cuộc đàm phán thương mại để mang lại thỏa thuận tối ưu nhất, giải quyết ổn thỏa những căng thẳng hiện nay./.