3 nhóm yếu tố con người, công nghệ và thể chế giúp nâng cao năng suất lao động, qua đó đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế bền vững. Trong đó, nguồn nhân lực được xác định là trung tâm, then chốt và bao hàm nhất quyết định các yếu tố căn bản. Vấn đề này được đưa ra tại hội thảo “Năng suất và đổi mới sáng tạo của nền kinh tế Việt Nam - phát hiện từ nghiên cứu thực chứng” do Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia tổ chức cuối tuần qua.
Đào tạo nhân lực còn mang tính học thuật
Theo báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, một thực trạng đáng báo động là nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay đang thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đặc biệt là lao động bậc trung, chỉ đáp ứng được khoảng 20-30% nhu cầu lao động trong giai đoạn 2011-2015.
Việt Nam còn thiếu nhiều nhân lực chất lượng cao. (Ảnh minh họa: KT) |
Nhận xét về nguồn nhân lực, TS. Đặng Đức Anh - Trưởng ban Phân tích dự báo, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia cho rằng, nhiều yếu điểm dẫn đến tình trạng chất lượng nhân lực giảm thấp, trong đó phải kể đến việc đào tạo nghề thời gian qua còn mang tính học thuật và thiếu tính thực tiễn.
“Thời gian tới, Việt Nam phải chịu sức ép rất lớn từ các nước có chi phí lao động thấp cũng như sức ép của việc sử dụng robot thay thế cho các lao động giản đơn. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu là vừa và nhỏ nên chưa quan tâm nhiều tới đào tạo nghề, trong khi việc đầu tư của nhà nước thì còn dàn trải, công tác quản lý còn yếu, chưa kết nối được cung - cầu lao động”, TS. Đặng Đức Anh đề cập và mong muốn, nhu cầu đào tạo, kỹ năng lao động trong thời gian tới phải đáp ứng được yêu cầu của công nghệ mới, lao động lành nghề có trình độ kỹ thuật cao, qua đó mới nâng cao năng suất lao động.
Tại hội thảo, nhiều diễn giả cũng cho rằng, phải có cách tiếp cận mới trong đào tạo nguồn nhân lực. Việc đào tạo cần theo hướng thực chất hơn, phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp. Đồng thời phải tận dụng được những thách thức của tự do hóa thương mại để thay đổi trong đào tạo nghề, học hỏi qua quá trình giao thương xuất nhập khẩu để hỗ trợ đào tạo gắn với tăng năng lực công nghệ.
Bà Nguyễn Tuệ Anh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) lưu ý rằng, cần phải làm rõ hơn cũng như học tập kinh nghiệm của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong đào tạo và sử dụng con người, xây dựng kỹ năng lao động và đầu tư công nghệ…
“Để có được chất lượng nguồn nhân lực cao, quá trình đào tạo phải mang tính dài hạn và phải gắn với nền kinh tế số. Việt Nam cần tham khảo và nên sử dụng một số cách làm của Diễn đàn kinh tế thế giới để có chỉ số để theo dõi mức độ thay đổi của nguồn lực lao động”, bà Tuệ Anh nêu quan điểm.
Ở một góc độ khác, khi nhấn mạnh yếu tố quan trọng đóng góp cho năng suất và đổi mới sáng tạo của kinh tế là cải cách doanh nghiệp nhà nước, chuyên gia kinh tế, TSKH. Nguyễn Quang Thái - Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, nếu cải cách tổng thể tất cả doanh nghiệp nhà nước có thể tăng 10% sản lượng của nền kinh tế thông qua tăng năng suất.
“Vấn đề là làm sao cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước phải đi vào thực chất, triệt để, nếu cứ nửa vời sẽ không cho hiệu quả trong quản trị và không thể nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực”, TSKH. Nguyễn Quang Thái phân tích và nhận định rằng, cổ phần hóa sẽ tạo ra điều kiện để nền kinh tế năng động hơn, vì khi có cạnh tranh thị trường sẽ đòi hỏi nguồn nhân lực phải tự thay đổi và chuyển biến, nếu không sẽ bị đào thải.
Nhân lực chất lượng chưa thực sự được trọng dụng
Cạnh tranh về nguồn nhân lực, đặc biệt cạnh tranh nhân lực trình độ cao trở thành cạnh tranh cốt lõi và quyết định vị thế lâu dài của doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu sâu và có hệ thống về cạnh tranh nhân lực toàn cầu, mặc dù nguồn nhân lực chất lượng cao được coi là một trong 3 đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020.
Phân tích về điều này, GS.TS. Nguyễn Thường Lạng ĐH Kinh tế Quốc dân, bản chất của nền kinh tế thị trường là một hệ thống các tương tác làm tăng giá trị đến mức tối đa, cho nên nguồn nhân lực trở thành nguồn lực được coi trọng hàng đầu.
“Mức độ tự do hóa thương mại càng cao càng làm tăng tính cạnh tranh trong chiếm dụng nguồn lực, tiếp cận cơ hội, tối đa hóa lợi ích và thúc đẩy sáng tạo. Chính sách thu hút người tài ở Việt Nam cũng đã được coi trọng song hiệu quả không cao, việc chảy máu chất xám vẫn đang là thực tế”, GS.TS. Nguyễn Thường Lạng bày tỏ quan ngại.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng, yếu tố quan trọng tác động đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là thể chế. Nhà nước cần tạo ra được môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch gắn với quyền sở hữu trí tuệ. Khi quyền sở hữu trí tuệ được bảo đảm không bị đánh cắp, con người mới có động lực để sáng tạo, khi đó mới thấy được người giỏi, người tài…/.
Cách mạng 4.0: Việt Nam thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao