Trả lời phóng viên VOV.VN bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Đào tạo nguồn nhân lực là vấn đề rất quan trọng vì nguồn nhân lực quyết định sự phát triển của đất nước.
Năng suất lao động có tăng lên hay không là nhờ nguồn nhân lực. Dân số của chúng ta hiện nay đang ở giai đoạn dân số vàng, độ tuổi lao động rất nhiều. Tới năm 2035 chúng ta sẽ rơi vào giai đoạn già hóa dân số. Nếu xét chung, nước ta sẽ đi vào giai đoạn già hóa dân số nhanh hơn nhiều nước trên thế giới.
Dân số của chúng ta hiện nay đang ở giai đoạn dân số vàng. (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Chúng ta cần phải xem xét kỹ về vấn đề này, cần phải đầu tư tối đa cho đào tạo và phát huy nguồn nhân lực ở giai đoạn này, hệ thống đào tạo của chúng ta chưa đáp ứng được thị trường lao động và yêu cầu phát triển hiện nay.
Ông Phong thừa nhận: Lâu nay, cách sử dụng nguồn nhân lực của chúng ta vẫn chưa đạt được như mong muốn. Chúng ta có nhiều người giỏi đi học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài nhưng chưa có chính sách phù hợp để kéo họ về phục vụ đất nước, nhiều người đi mà không muốn về, thậm chí nhiều người được nhà nước cấp tiền cho đi đào tạo nhưng học xong, họ sẵn sàng trả lại tiền để đi làm cho các công ty tư nhân hoặc định cư ở nước ngoài. Bây giờ đã có sự dịch chuyển chất xám từ phía nhà nước chạy về các công ty tư nhân bởi các công ty tư nhân trả lương cao hơn nhiều so với nhà nước.
Ông Phong lo lắng: Vấn đề nguồn nhân lực làm cho tôi cũng như rất nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở. Nếu như chính phủ không bàn tính, không đánh giá lại và không có những giải pháp quyết liệt, chúng ta sẽ tụt hậu so với khu vực và nhiều nước trên thế giới. Tôi phải dùng từ "quyết liệt" vì đây là xương sống của nền kinh tế, giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và ổn định.
ĐBQH Đặng Thuần Phong (Ảnh: Vietnam+) |
Làm thế nào để thu hút và giữ chân những người tài của Việt Nam trong khi đồng lương chưa tương xứng với năng lực của họ đã bỏ ra? Theo ông Phong đây vẫn là câu hỏi không chỉ riêng ông và nhiều người rất trăn trở. Bởi theo ông Phong, có nhiều người muốn cống hiến, họ cần môi trường để cống hiến và làm việc nhưng môi trường đó đã đạt yêu cầu đối với họ chưa? Nếu không tôn trọng nhiều đến người tài sẽ làm cho họ bất mãn.
Điều thứ hai là vấn đề tiền lương, muốn kêu gọi nhân tài phải có những cơ chế về lương bổng. Nếu không đáp ứng được điều đó, người ta sẽ đến những chỗ khác lương cao hơn để làm việc.
Giá trị của họ được tôn vinh chưa? Theo ông Phong, điều này vẫn chưa, họ cống hiến rất nhiều mà không thấy được tôn vinh. Thậm chí, người giỏi ở Việt Nam nhiều khi còn bị ganh ghét. Những vấn đề như thế cần phải điều chỉnh trong quy hoạch, đào tạo, trong bồi dưỡng đội ngũ cán bộ.
"Chúng ta cần phải quan tâm đến chính sách, môi trường làm việc,… để họ thấy được giá trị của họ. Nếu họ thấy được đền đáp xứng đáng họ sẽ toàn tâm toàn ý để cống hiến và phục vụ đất nước"- ông Phong nói./.