Theo báo cáo của Chính phủ, thu cân đối NSNN ước đạt 752.370 tỷ đồng, giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán. Sau khi phân tích tình hình, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, vẫn còn dư địa tăng thu từ việc tăng cường đôn đốc thu hồi nợ thuế, tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu; thu vào NSNN một số khoản còn để ngoài NSNN. Do đó, Ủy ban này đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời vào NSNN, đồng thời bảo đảm bố trí đủ số tiền hoàn thuế GTGT năm 2013, không để phát sinh nợ mới.
Đưa ra ý kiến về tình trạng hụt thu, Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng thu ngân sách của chúng ta trong những năm vừa qua bao giờ cũng vượt so với kế hoạch đề ra, có năm vượt tới 15%, có năm vượt cả trăm ngàn tỷ nhưng năm nay lại không xảy ra tình trạng như vậy. Chính vì vậy sẽ không có phần tăng chi cho đầu tư được.
Chia sẻ quan điểm này, ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc NHNN cho rằng: Trong điều kiện hiện nay, tăng nguồn thu, tiết kiệm chi, cần phải làm tích cực nhưng không phải làm vô giới hạn. Với yêu cầu chi rất lớn như hiện nay, giải pháp phát hành trái phiếu Chính phủ cũng như việc nâng bội chi ngân sách lên là cần thiết, nhưng cần lưu ý, chỉ được phép làm khi chúng ta khai thác tất cả các nguồn thu có thể thu được và kiểm soát chặt chẽ nguồn chi. Biện pháp tăng bội chi ngân sách cũng là một cách để chúng ta thực hiện hai việc quan trọng, một là tăng cho đầu tư xây dựng cơ bản để đảm bảo tăng trưởng hợp lý, nhất là những dự án, những công trình có khả năng hoàn thành, khả năng tạo việc làm, tăng sức mua, tăng thu nhập cho người lao động. Thứ hai là để cứu doanh nghiệp, kể cả việc chúng ta phải giải quyết nợ đọng trong xây dựng cơ bản.
Đánh giá sau 3 năm về thực hiện Nghị quyết của Đảng khóa XI, thay mặt Ủy ban TCNS, ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban cho rằng: “Còn nổi lên một số tồn tại, hạn chế”.
Theo đó, tỷ lệ động viên từ thuế, phí trên GDP vào NSNN đang giảm dần: năm 2011: 22,7%GDP, năm 2012: 20,6%GDP; năm 2013 ước đạt 18,4%GDP và năm 2014 dự toán chỉ còn 17,2%GDP, không đạt chỉ tiêu huy động của cả giai đoạn từ 22-23% GDP theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội.
Qua 3 năm thực hiện chính sách thu NSNN theo hướng khoan sức dân và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nên thuế suất, mức thuế, chính sách miễn, giảm được điều chỉnh tích cực đã dẫn tới giảm thu khá mạnh, trong khi đó, nhu cầu chi và các chính sách, chế độ ban hành khá nhiều tạo ra sức ép cho cân đối thu chi, chưa bố trí đủ ngân sách cho một số khoản nợ.
“Bội chi NSNN và nợ công tăng nhanh, an ninh tài chính quốc gia chưa vững chắc” – ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban nhấn mạnh.
Một điểm nữa được UB TCNS nêu ra là nguồn lực NSNN bị phân tán, dàn trải do bố trí chi chưa tập trung, hiệu quả chưa cao, nhất là trong xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, tồn tại quá nhiều quỹ ngoài ngân sách làm cho nguồn lực của Nhà nước bị phân tán. Vai trò chủ đạo của NSTW trong đầu tư phát triển kinh tế - xã hội sụt giảm.
Ủy ban TCNS cũng nhận thấy, một số nguyên tắc đề ra trong Luật NSNN và Nghị quyết của Quốc hội không đạt: cân đối ngân sách năm sau tích cực hơn năm trước; bội chi và thu tiền giao đất chỉ dành cho đầu tư phát triển; bảo đảm bố trí ngân sách để chủ động trả nợ khi đến hạn.
Cuối cùng, theo Ủy ban TCNS, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phối hợp chưa tốt, mục tiêu về điều hành chính sách giá theo cơ chế thị trường chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn. Chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực cho các ngành giáo dục, y tế, văn hóa chưa đạt kết quả cao.
Chi phải trên cơ sở nguồn thu
Nhận định tình hình năm 2014, ông Trần Du Lịch cho rằng: “Vẫn còn nhiều khó khăn do doanh nghiệp khó khăn. Như tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 30% doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp, còn 70% doanh nghiệp không phải đóng thuế. Ngoài ra, Quốc hội cũng đã quyết định hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều trong việc miễn, giảm thuế. Bắt đầu từ năm 2014 thuế thu nhập cũng giảm nữa. Như vậy, nguồn thu ngân sách từ thuế sẽ khó khăn trong năm nay và năm tới.
Từ thực tế thu-chi ngân sách thời gian qua, ông Phùng Quốc Hiển cho rằng, Chính phủ cần có biện pháp tích cực để thực hiện chiến lược tài chính theo hướng: cơ cấu lại thu, chi NSNN, nhất là chi NSNN phải lấy hiệu quả là mục tiêu chủ yếu, xác định chi phải trên cơ sở nguồn thu; cải cách tiền lương phải đi đôi với việc sắp xếp lại bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả; xác định phạm vi bảo đảm của NSNN và quản lý chặt chẽ, minh bạch; tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần đánh giá lại đầy đủ và chính xác mức dư nợ công, dư nợ chính phủ và dư nợ quốc gia, bảo đảm an toàn trong giới hạn cho phép; phản ánh đầy đủ, toàn diện các nguồn lực vào cân đối NSNN, kiên định mục tiêu giảm dần bội chi NSNN, tăng cường giám sát tài chính, ngân sách, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Trước tình hình này, theo ông Trần Du Lịch, bên cạnh việc Chính phủ chi nhất thời, chúng ta phải tính toán lại tất cả các khoản chi. “Dĩ nhiên trong nhiều năm tới chúng ta vẫn phải vay để đầu tư chứ như hiện nay thu không đủ chi thường xuyên thì làm sao có đầu tư, nhưng phải tính toán lại kể cả các nguồn lực hiện nay đang có” – ông Lịch nói./.