Nỗ lực vượt khó, những năm qua, trên vùng cao Yên Bái nhiều chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số đã thoát đói, thoát nghèo, vươn lên khá giả. Câu chuyện của chị Hoàng Thị Cẩn, 35 tuổi ở thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu cho thấy những thay đổi lớn trong cách nghĩ cách làm của người phụ nữ vùng cao.

vov_lam_kinh_te_gioi_ebyr.jpg
Nỗ lực vượt khó, chị Hoàng Thị Cẩn ở thôn Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái đã vươn lên thoát nghèo, làm kinh tế khá giả.

Gia cảnh nghèo khó, bản thân không thông thạo tiếng phổ thông, vừa đến tuổi thanh niên thì lấy chồng như bao người con gái khác ở vùng cao, nhiều người nghĩ chị Hoàng Thị Cẩn sẽ lại bước vào vòng quay đói nghèo qua bao thế hệ, chỉ riêng chị không nghĩ như vậy.

Những năm 2000, khi nhiều người dân vùng cao vẫn chỉ quanh quẩn với mấy thửa ruộng nhỏ và vào rừng hái măng, hái rau dại để đủ cái ăn, chưa nghĩ tới mở rộng sản xuất thì gia đình chị Cẩn đã bắt đầu cải tạo những nương cằn thành ruộng nước, nuôi gà, nuôi cá để đem bán. Rồi có vốn lớn hơn thì mua lợn, mua trâu, bò về nuôi. Bất cứ lúc nào xã, huyện mở lớp hướng dẫn sản xuất, chăn nuôi là anh chị lại lặn lội theo học để lấy kinh nghiệm.

Gà dịch chết, trâu bò bị bệnh và cả những năm mất mùa không làm nản trí hai vợ chồng thanh niên vùng cao. Gần 20 năm trôi qua, giờ gia đình chị Cẩn đã là một trong những gia đình khá giả nhất bản.

Chị Cẩn tâm sự, "có được như ngày hôm nay là được Nhà nước giúp vốn vay ưu đãi và các cấp hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất. Giờ thì thu nhập cao hơn, cuộc sống ổn định, mình có điều kiện để chăm lo cho cuộc sống tốt hơn, chăm lo cho gia đình tốt hơn".

Hiện tại, gia đình chị Cẩn có được một diện tích canh tác màu mỡ mà người dân vùng cao vốn luôn thiếu đất sản xuất phải mơ ước với gần 4000 m2 lúa nước, hơn 1 ha ngô đồi và hàng nghìn m2 rau xanh. Mô hình sản xuất của gia đình chị Cẩn còn có 14 con trâu bò, hơn 50 con lợn và hàng trăm con gia cầm.

Chỉ riêng đàn lợn mỗi năm đã cho xuất chuồng trên 20 tấn. Bình quân hàng năm gia đình chị thu lãi trên 300 triệu đồng. Từ nguồn thu này, gia đình chị dành một phần xây dựng cơ ngơi, còn lại dành để tiếp tục đầu tư sản xuất và mua sắm máy móc sản xuất nông nghiệp.

Mỗi năm đàn lợn của chị Cẩn cho xuất chuồng trên 20 tấn.

Chị Hoàng Thị Chấn người dân ở thôn Lừu II, xã Hát Lừu cho biết, chị Hoàng Thị Cẩn là một người rất gương mẫu, chịu khó trong việc làm kinh tế, được bà con trong thôn bản rất là mến phục. Chị Cẩn cũng thường xuyên giúp đỡ chị em phát triển sản xuất, vì chị có rất nhiều kinh nghiệm. Chị em trong bản học tập chị nên kinh tế cũng bớt khó khăn.

Ngoài việc làm kinh tế giỏi, đi đầu trong phong trào thi đua tại địa phương, gia đình chị Cẩn còn tích cực hưởng ứng Chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc hiến hơn 1000m2 đất làm đường giao thông nông thôn.

Chị  Lò Thị  Thươi, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hát  Lừu, huyện Trạm Tấu đánh giá, chị Hoàng Thị Cẩn ở Chi hội Phụ nữ thôn Lừu 2 là một gương điển hình để phụ nữ noi theo. Với vai trò là Ủy viên Ban chấp hành chi hội chị tham gia đầy đủ công tác hội, luôn đi đầu trong mọi hoạt động, nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế hộ gia đình. Chị còn giúp đỡ nhiều chị em khó khăn trên địa bàn xã thoát nghèo.

Với những nỗ lực và đóng góp của mình, Hoàng Thị Cẩn đã được các cấp Hội Phụ nữ nhiều lần ghi nhận, biểu dương. Gia đình chị cũng liên tục nhiều năm liền đạt gia đình văn hóa tiêu biểu. Đây cũng chính là tấm gương vượt khó ở các bản vùng cao Tây Bắc mà nhiều chị em và người dân trong và ngoài bản noi theo./.