Phát huy tinh thần tự chủ, sáng tạo trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chị em phụ nữ tỉnh Sơn La, nhất là chị em người dân tộc thiểu số đã mạnh dạn tiếp cận các nguồn vốn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị thu nhập cao, trở thành những người đi đầu trong phát triển kinh tế tại địa phương.

Gặp chị Lò Thị Viện, người dân tộc Thái ở bản Tong Chinh, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn trong một sớm đầu đông khi chị đang chăm sóc nương cây cà phê xanh ngát, phủ kín những triền đồi.

son_la_vov_1__iqtf.jpg
Cuộc sống vốn bó hẹp nơi xã, bản, nay nhiều chị em đã trở thành chủ trang trại, chủ cửa hàng, hợp tác xã.
Chị chia sẻ, trước đây gia đình cũng khó khăn lắm, nhưng không cam chịu cuộc sống đói nghèo, nên đã quyết tâm theo học các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ thuật nông nghiệp do hội Liên hiệp phụ nữ và trạm khuyến nông huyện tổ chức, rồi dần chuyển đổi kinh tế từ 0,5 ha trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cà phê gắn với mô hình chăn nuôi gà thả vườn, nuôi ong mật, từ đó kinh tế gia đình đã dần khởi sắc.

Năm 2011, chị mạnh dạn vay vốn ngân hàng hơn 100 triệu đồng, thầu thêm hơn 8 ha đất đồi núi bạc màu để mở rộng diện tích trồng cà phê, bằng cách áp dụng khoa học kỹ thuật đã được tập huấn, cộng với tính cần cù, sáng tạo, tới nay gia đình đã có 9 ha cà phê cho thu nhập từ 700 - 850 triệu đồng mỗi năm, trở thành người đi đầu trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tại địa phương. 

Mô hình trang trại của chị Lò Thị Viện giờ đây cho thu nhập từ 700 triệu đến 850 triệu đồng mỗi năm.
Ngoài ra, chị còn hỗ trợ chị em phụ nữ nghèo vay vốn sản xuất và chăm sóc cà phê với số tiền 500 triệu đồng. Với những hoạt động tích cực, chị được chị em phụ nữ trong bản tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Tong Chinh từ năm 2010 tới nay.

Chị Viện cho biết: "Thời gian tới, tôi sẽ cố gắng để lĩnh hội các kiến thức về tuyên truyền cho bà con phát triển kinh tế, rồi sẽ nêu cao tinh thần, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình do cấp trên giao xuống để truyền đạt cho bà con".

Chị Tòng Thị My, người dân tộc Thái ở bản Quỳnh Châu, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu là một trong những hộ di dân nhường đất cho thủy điện Sơn La.

Chị cho biết, trước khi tới bản tái định cư, chị ở xã Liệp Muội, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La, làm kinh tế chủ yếu từ lúa nước, thu nhập rất bấp bênh. Năm 2008, khi chuyển về tái định cư ở nơi mới, gia đình được cấp gần 1 ha đất nông nghiệp, được chính quyền địa phương định hướng và hỗ trợ giống cây chè, gia đình chị đã dành 6.000 m2 để trồng chè, còn lại thì đầu tư trồng cà phê.

Sau 2 năm, nhận thấy cả cây chè và cà phê đều thích hợp với vùng đất này, chị mạnh dạn vay Ngân hàng 25 triệu, mua thêm 1 ha đất đồi, mở rộng diện tích trồng cà phê. Tới nay, gần 2 ha trồng chè và cà phê của gia đình đã cho thu lãi ổn định, đạt hơn 120 triệu đồng/năm.

Từ những mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều chị em đã yên tâm lao động sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.
Chị My phấn khởi chia sẻ về cuộc sống mới: "Trước kia ở quê hương cũ thì tôi chủ yếu trồng cây lúa nước, lên trên này được Đảng và Nhà nước quan tâm, đưa cây chè về cho bà con trồng thấy yên tâm. Tôi thấy là rất tốt so với ở quê cũ trong kia bởi vì cây chè cho năng suất cao mà giá cả cũng khá ổn định".

Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Sơn La hiện có trên 200.000 hội viên, trong đó hội viên là người dân tộc thiểu số chiếm 85%. Những năm qua, các cấp Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên phụ nữ tham gia các mô hình kinh tế tập thể, tham gia lao động sản xuất, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng gia đình hạnh phúc, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của địa phương... 

Từ những phong trào, cuộc vận động thiết thực trên các lĩnh vực như: Kinh doanh và dịch vụ; chung tay xây dựng nông thôn mới; nhất là trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, từ năm 2014 tới năm 2017, các hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số đã tuyên truyền vận động, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau hơn 76.000 ngày công, hơn 172.000 con, cây giống các loại với tổng trị giá trên 14 tỷ 700 triệu đồng... Qua đó, nhiều chị em quanh năm gắn bó với núi rừng, cuộc sống vốn bó hẹp nơi xã, bản nay đã trở thành những chủ trang trại, chủ cửa hàng, hợp tác xã được nhiều người biết đến...

Chị Quàng Thị Vân, Phó Chủ tịch hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Sơn La cho biết: "Để khơi dậy sự tự chủ của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế gia đình thì hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo hội Liên hiệp phụ nữ các cấp triển khai đề án 939, là đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025 trên địa bàn bằng việc tổ chức các hoạt động như là Ngày phụ nữ khởi nghiệp để làm sao chị em có những ý tưởng trong việc sản xuất kinh doanh, tạo thu nhập cho gia đình".

Bằng những việc làm, hành động cụ thể, nhiều chị em phụ nữ tỉnh Sơn La đã thoát khỏi tư tưởng an phận và tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của gia đình, của xã hội, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phá bỏ rào cản định kiến về giới, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, tự giải phóng mình khỏi những ràng buộc lỗi thời, vươn lên làm giàu chính đáng./.