Ông Fatih Birol, chuyên gia kinh tế trưởng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cho biết các công ty dầu mỏ toàn cầu sẽ cắt giảm đầu tư khoảng 100 tỷ USD trong hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí năm 2015 do giá dầu giảm. Mức giảm này tương đương với 20% tổng số vốn đầu tư trong ngành dầu mỏ so với năm 2014.

Ông Fatih Birol nhận định, nếu sản lượng dầu mỏ tăng chậm lại trong khi nhu cầu trên thế giới vẫn tăng mạnh, giá dầu có thể sẽ leo thang trong tương lai.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng của IEA, khi đầu tư bị cắt giảm, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông không được cải thiện, thì hoạt động đầu tư của các công ty dầu mỏ toàn cầu trong khu vực này không được đảm bảo.

fatih_birol_ffnf.jpgÔng Fatih Birol, chuyên gia kinh tế trưởng của IEA
IEA dự báo đầu tư của các công ty dầu mỏ lớn từ Mỹ, Canada và Brazil sẽ giảm 20%. Cơ quan này cũng nhận định, sản lượng dầu của Iran có thể sẽ tăng mạnh trong 3-5 năm tới sau khi nước này và 6 cường quốc đã đạt được thỏa thuận khung về hạt nhân vào ngày 2/4, thúc đẩy hy vọng rằng một thỏa thuận chính thức sẽ được ký vào tháng 6 tới. Tuy nhiên, lượng cung của thế giới sẽ không tăng mạnh do đầu tư giảm khiến sản lượng của nhiều khu vực có khả năng sẽ bị giảm theo.

Theo IEA, thị trường dầu thế giới sẽ không biến động mạnh, nếu Iran và các cường quốc đạt được thỏa thuận hạt nhân, theo đó Iran sẽ được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã khiến xuất khẩu dầu mỏ của Iran giảm hơn 1 nửa, từ 2,5 triệu thùng/ngày năm 2012 xuống còn khoảng 1,1 triệu thùng/ngày.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở Châu Á và Châu Âu là yếu tố then chốt quyết định giá dầu trong tương lai, bên cạnh các nhân tố khác như sản lượng và mức đầu tư, chuyên gia kinh tế trưởng của IEA nhấn mạnh.

Ông Fatih Birol mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ giữa những nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia bởi các quốc gia này chiếm tới 50% trong tổng cầu dầu mỏ trên thế giới./.