Thông tin từ Hiệp hội Da giày Việt Nam cho biết, do thuận lợi về đơn hàng và thị trường, trong năm nay kim ngạch xuất khẩu của ngành có thể đạt 5,4 tỷ USD (năm 2009 là 4,1 tỷ USD). Trrong đó giầy dép các loại đạt 761 triệu đôi, cặp túi các loại đạt 98 triệu cái…

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản xuất và tiêu thụ của ngành da giày 9 tháng qua ổn định và tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, nguyên nhân chính là do kinh tế thế giới đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng và đang phục hồi tăng trưởng.

Kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước tính đến hết tháng 9, ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 23,1% so với cùng kỳ năm 2009. Thị trường chính nhập khẩu giày dép của Việt Nam vẫn là EU, Mỹ, Mexico, Brazil, Nhật Bản...

Ngành da giày đang thực hiện nhiều giải pháp để thâm nhập và đứng vững trên thị trường nội địa. Tỷ trọng tiêu thụ sản phẩm da giày tại thị trường nội địa được đánh giá là chiếm gần 40%.

Tuy nhiên, ngành da giầy vẫn chủ yếu sản xuất bằng phương thức gia công và lệ thuộc vào nguyên phụ liệu, công nghệ và cả vốn đầu tư từ nước ngoài.

Chính vì vậy, Hiệp hội Da giày vừa đệ trình Chính phủ phê duyệt chiến lược mới phát triển ngành từ nay đến năm 2020, với nhiều giải pháp quyết liệt để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và nguyên phụ liệu trong nước để đến năm 2015 kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa tăng từ 50% hiện nay lên 65%-75% và đến năm 2020 kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD.

Dự kiến, nguồn vốn đầu tư mở rộng năng lực sản xuất trong giai đoạn này vào khoảng 18.800 tỷ đồng tập trung vào sản xuất khuôn mẫu, phom, đế và đặc biệt là dự án database dữ liệu thiết kế thống kê các ni số phom giầy từ trẻ em đến người lớn trong phạm vi toàn quốc; đầu tư mở rộng các cụm công nghiệp sản xuất nguyên liệu gồm da, giả da, PU…/.