Bác lại thông tin nền kinh tế đang phải trả lãi cho hệ thống ngân hàng 400.000 tỷ đồng, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) sáng 7/5 khẳng định, mỗi năm, hệ thống ngân hàng đang trả lãi cho nền kinh tế hơn 300.000 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, phần trả lãi tiền gửi lớn nhất mà ngân hàng trả là cho doanh nghiệp có tiền gửi nhàn rỗi và người dân gửi tiết kiệm là trên 280.000 tỷ đồng. “Còn theo tính toán sơ bộ, nền kinh tế đang trả lãi cho ngân hàng 240.000 tỷ đồng/năm” – ông Hòe cho biết và đặt câu hỏi: “Phải chăng ngân hàng lãi rất lớn? Nếu tính từng phần, ngân hàng còn rất nhiều khoản chi phí khác. Ví dụ như chi phí đọng vốn và tiền mặt, chi phí dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước, chi phí bù đắp về thanh khoản, trong đó chi phí trích lập dự phòng rủi ro chiếm một khoản lớn của hệ thống ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng còn phải trả lãi cho SCIC, Kho bạc Nhà nước, các tổ chức bảo hiểm hàng nghìn tỷ đồng/năm.
Cũng theo ông Hòe, cuối 2012, tổng mức trích lập dự phòng rủi ro lũy kế đến trung tuần tháng 11/2012 khoảng 68.000 tỷ đồng. Tiếp tục trong quý 1/2013 con số này phải tăng lên.
Nhìn vào kết quả kinh doanh của hệ thống NHTM cuối năm 2012 có thể thấy một sự sụt giảm thê thảm về lợi nhuận. 102 đơn vị có lãi thì lợi nhuận giảm hơn 30% so với cùng kỳ 2011. Có khoảng 22 đơn vị thua lỗ thì mức lỗ là gấp 7 lần so 2011.
“Ngân hàng là tổ chức tài chính trung gian, họ muốn có nguồn vốn cho vay thì phải huy động vốn. Họ trả lãi cho nền kinh tế thì họ mới có được nguồn vốn để cho vay. Với vai trò trung gian, ngân hàng phải nai lưng đi để mua vốn nhàn rỗi từ các tổ chức kinh tế, xã hội, của người dân” – ông Hòe nói./.