Vietcombank tiên phong giảm lãi suất huy động
Cuối tuần trước, thị trường xôn xao trước thông tin Vietcombank bất ngờ hạ lãi suất huy động xuống 6%/năm, mức giảm mạnh chưa từng có trong thời gian này. Đây là lần thứ hai liên tiếp, ngân hàng này đi đầu trong đợt giảm lãi suất dù Ngân hàng Nhà nước chưa có động thái giảm trần lãi suất huy động.
Cụ thể, theo biểu niêm yết vừa điều chỉnh, trần lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng là 6%/năm, 2 tháng là 6,5%/năm và 3 tháng là 6,8%/năm. Tại các kỳ hạn 6-9 tháng, trần lãi suất huy động áp dụng là 7%/năm, giảm 0,5%/năm so với lần điều chỉnh trước đó.
Biên độ điều chỉnh lớn nhất lần này ở mức 1%/năm nằm ở kỳ hạn từ 12 tháng trở lên với lãi suất trần là 8%/năm. Trong khi đó, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng được tự thỏa thuận với khách hàng về lãi suất tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng mà không áp dụng mức trần 7,5%/năm.
Với 2 lần điều chỉnh liên tiếp trong vòng chưa đầy một tháng (lần điều chỉnh trước vào ngày 16/4/2013), mức lãi suất huy động thấp nhất của Vietcombank kể từ ngày 6/5/2013 chỉ còn 6%/năm, thấp hơn mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước mức kỷ lục là 1,5%/năm.
Tính tới thời điểm này, Vietcombank vẫn là ngân hàng duy nhất giảm lãi suất huy động. Các ngân hàng khác vẫn thu hút tiền gửi từ dân chúng ở mức lãi suất phổ biến 7,5%/năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng. Với kỳ hạn trên 12 tháng, ngân hàng Bắc Á đang dẫn đầu với lãi suất 11%/năm. Với kỳ hạn này, các ngân hàng khác áp dụng trong khoảng 9%- 10%/năm.
Mặc dù mới chỉ có Vietcombank công bố giảm lãi suất nhưng nhiều người tin rằng đợt giảm lãi suất rộng khắp có thể sắp diễn ra trong thời gian sắp tới.
Mới đây, trong báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 4/2013 được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia công bố, cơ quan này cho biết trong thời gian tới lãi suất ngân hàng có thể sẽ được giảm thêm khoảng 2 - 3%, do lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và tín dụng tăng trưởng chưa tới 1,5%.
Một yếu tố nữa là thanh khoản của hệ thống ngân hàng ổn định và vẫn được duy trì khá tốt, lãi suất cho vay trên thị trường mở ở mức tương đối thấp, tập trung chủ yếu vào kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với mức lãi suất phổ biến từ 3-5%.
Nếu lãi suất giảm tối đa 3% như Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo thì lãi suất thậm chí có thể hạ xuống 4,5%/năm. Như vậy, mức lãi suất 6%/năm của Vietcombank có thể vẫn chưa phải là “đáy”.
Ồ ạt giảm lãi suất cho vay
Việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống 6%/năm đã giúp Vietcombank giảm mạnh lãi suất cho vay và trở thành một trong các ngân hàng có mức lãi suất huy động và cho vay thấp nhất thị trường hiện nay.
Lãi suất cho vay cũng được Vietcombank tiếp tục giảm mạnh, theo đó lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường hiện chỉ còn khoảng 10,5%/năm, đặc biệt lãi suất cho vay trung dài hạn đối với các doanh nghiệp thấp nhất cũng chỉ còn khoảng 11,6%/năm.
Vietcombank cũng cho biết, hiện ngân hàng đang áp dụng các chương trình tín dụng ưu đãi ngắn hạn với hạn mức lên tới 30.000 tỷ đồng, 700 triệu USD với lãi suất cho vay thấp nhất là 7,5%/năm và 2%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Trong khi đó, dù chưa giảm lãi suất huy động nhưng nhiều ngân hàng đã ồ ạt có nhiều chương trình giảm lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Cuối tháng 4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thực hiện chương trình Vay kinh doanh, Giải ngân nhanh, Lãi cạnh tranh với nhiều ưu đãi hấp dẫn từ nay tới hết ngày 10/07/2013 dành cho khách hàng là cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh khi vay tại BIDV.
Theo đó, BIDV cho khách hàng vay theo mức lãi suất hấp dẫn 9%/năm trong 03 tháng đầu tiên đối với các khoản vay được giải ngân trong thời gian hiệu lực của chương trình.
Bên cạnh đó, khách hàng vay sản xuất kinh doanh sẽ được nhận ngay ưu đãi 20% phí bảo hiểm BIC – Bình An của Tổng công ty CP Bảo hiểm BIDV (BIC). Nguồn vay cho chương trình này rất lớn, tới 7.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, BIDV cũng áp dụng mức lãi suất 10%/năm cho khách hàng vay mua nhà.
Từ ngày 10/12/2012, Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) triển khai sản phẩm cho vay ngắn hạn VND lãi suất siêu thấp, chỉ 6,8%/năm, thấp hơn lãi suất huy động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực kinh doanh được phép, ưu tiên các doanh nghiệp vay vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế cần khuyến khích theo định hướng, qui định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước mới tiếp cận được nguồn vốn này.
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) triển khai gói hỗ trợ 500 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 9,9%/ năm. Đây là gói ưu đãi hấp dẫn nhất từ trước đến nay của ABBANK dành cho khách hàng cá nhân. Gói tín dụng ưu đãi 500 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân này sẽ được triển khai cho 04 sản phẩm cho vay của ABBANK: Cho vay mua/ xây dựng/ sửa chữa nhà đất; Cho vay mua ô tô; Cho vay tiêu dùng có thế chấp và Cho vay sản xuất kinh doanh.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng có gói tín dụng lên tới 4.200 tỷ đồng ưu đãi cho vay dành cho khách hàng cá nhân 2013 với lãi suất chỉ 9%/năm. Đối tượng cho vay của gói tín dụng này tương đối rộng từ cho vay phát triển nông thôn, mua - xây - sửa chữa bất động sản tới cho vay cán bộ nhân viên và sản xuất kinh doanh và tiêu dùng.
Rất nhiều ngân hàng khác cũng áp dụng các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi./.