Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, trước vấn nạn rửa tiền xuyên quốc gia ngày càng tinh vi, phòng, chống rửa tiền trở nên cấp bách và đang là mối quan tâm hàng đầu của lãnh đạo các ban ngành tại Việt Nam.

Theo bà Hạnh, trong hoạt động ngân hàng, công tác phòng, chống rửa tiền với công nghệ hiện đại, theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế đang được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao năng lực phòng, chống rửa tiền của các nhà băng.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin chính là mấu chốt trong phòng, chống rửa tiền hiện nay. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục phòng, chống rửa tiền, thuộc Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực này ở các ngân hàng tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Bởi theo ông, Luật Phòng chống rửa tiền đã đi vào hoạt động, nhưng ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống rửa tiền tại các ngân hàng chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Nhiều nhà băng hiện nay còn thiếu sự đào tạo nâng cao nhận thức cho nhân viên.

Ông Ngọc chỉ ra thực trạng nhiều cán bộ công nghệ thông tin giỏi về lĩnh vực công nghệ nhưng chưa hiểu rõ về phòng, chống rửa tiền và lúng túng trong việc lựa chọn phần mềm hỗ trợ phòng chống rửa tiền. Ngoài ra, ngân sách dành cho đầu tư công nghệ thông tin còn rất hạn chế. Với những ngân hàng đã triển khai hệ thống công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống rửa tiền chủ yếu quan tâm tới mục tiêu bảo đảm an toàn giao dịch hoặc sử dụng phần mềm phòng, chống rửa tiền sai mục đích...

Do đó, Cục trưởng Cục phòng, chống rửa tiền cho rằng thời gian tới, hệ thống công nghệ thông tin của các nhà băng cần đồng bộ hóa và nâng cấp hệ thống theo hướng đáp ứng đúng quy định của pháp luật, phân tích giao dịch, hỗ trợ sàng lọc, nhận biết khách hàng, báo cáo, lưu trữ thông tin…

Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tài chính cần nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống rửa tiền; trong đó chú ý danh sách cảnh báo, danh sách đen, danh sách cấm vận quốc tế; chú ý tới những báo cáo,  giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ....

Một chuyên gia của Nhật Bản cho rằng cần chú trọng tăng cường nghĩa vụ xác nhận khách hàng, mở rộng phạm vi báo cáo như yêu cầu bằng chứng của việc thực hiện nghĩa vụ xác nhận khách hàng, mở rộng đối tượng báo cáo đối với các loại hình giao dịch và các hành vi liên quan đến rửa tiền; thiết  lập và quản lý hệ thống theo dõi liên tục, theo dõi các mẫu giao dịch của khách hàng.

Ngoài ra, ông cũng đề nghị cần tăng chế tài, tiền phạt đối với các cơ quan tài chính không tuân thủ quy định, báo cáo giao dịch đáng ngờ, thiết lập hình phạt nặng với cán bộ và nhân viên vi phạm./.