Tại Diễn đàn VBF 2013, Nhóm Công tác Ngân hàng thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (BWG) giữa kỳ 2013 đánh giá rất cao các biện pháp và chính sách mà NHNN đã đưa ra nhằm ổn định thị trường và khôi phục lại niềm tin của cộng đồng đối với hệ thống ngân hàng. Đồng thời cũng đưa ra nhiều đề xuất trực tiếp về giới hạn tỷ lệ vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với NH Việt Nam; trần lãi suất; quy định về chủ sở hữu hưởng lợi và nhận biết khách hàng tại Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật phòng chống rửa tiền của Việt Nam...
Một số định chống rửa tiền khó triển khai
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật phòng chống rửa tiền của Việt Nam đưa ra quy định về chủ sở hữu hưởng lợi và nhận biết khách hàng. Tuy nhiên, Nhóm Công tác Ngân hàng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (BWG) giữa kỳ 2013 cho rằng, những yêu cầu này khó triển khai trong thực tế. Vì vậy, BWG đề nghị NHNN xem xét thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế về phòng chống rửa tiền.
BWG đề nghị NHNN điều chỉnh yêu cầu xác định “cá nhân nắm giữ từ 10% trở lên vốn điều lệ của pháp nhân” thành “cá nhân nắm giữ trực tiếp từ 25% trở lên vốn điều lệ của pháp nhân”, vì đây là tỷ lệ phổ biến được quy định tại văn bản pháp luật của nhiều quốc gia.
Đồng thời, BWG cũng đề nghị NHNN xem xét lại quy định xác định chủ sở hữu hưởng lợi là “cá nhân nắm giữ từ 20% trở lên vốn điều lệ của tổ chức góp trên 10% vốn của pháp nhân” – việc này đồng nghĩa với yêu cầu phải xác định cá nhân nắm giữ 2% vốn điều lệ của pháp nhân.
Theo BWG, yêu cầu này không những mâu thuẫn với quy định xác định cá nhân nắm giữ 10% vốn điều lệ đồng thời không khả thi trong việc thực hiện. Do vậy, BWG đề nghị quy định này nên điều chỉnh thành “cá nhân nắm giữ từ trên 50% trở lên vốn điều lệ của tổ chức góp trên 25% vốn của pháp nhân đó”.
Ngoài ra, như quy định tại Luật phòng chống rửa tiền, việc nhận biết khách hàng được thực hiện trên cơ sở rủi ro. Theo đó, BWG đề xuất NHNN áp dụng phương pháp này trong dự thảo Nghị định và cũng không bắt buộc xác định chủ sở hữu hưởng lợi đối với các khách hàng là tổ chức có mức độ rủi ro thấp, rủi ro trung bình, và các tổ chức niêm yết trên thị trường chứng khoán được công nhận, vì đối với loại hình này việc nhận biết khách hàng đã được xác nhận bởi cơ quan quản lý thị trường chứng khoán.
Thủ tướng sẽ duyệt cụ thể “room” sở hữu ngân hàng
Với bối cảnh ổn định hiện nay, BWG đề xuất NHNN xem xét có lộ trình dỡ bỏ giới hạn 30% vốn tự có đối với giá trị danh nghĩa của các giao dịch phái sinh; dỡ bỏ trần lãi suất; hướng dẫn về việc tính giá trị ròng để bù trừ trạng thái hoặc nghĩa vụ trong các hợp đồng phái sinh.
Trước các đề xuất này, ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam giải thích rằng: Thực hiện chủ trương mở cửa hội nhập, thời gian vừa qua Việt Nam đã hoan nghênh sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng dưới nhiều hình thức như thành lập chi nhánh, thành lập ngân hàng con 100% vốn, thành lập ngân hàng liên doanh, tham gia góp vốn mua cổ phần.
Hiện nay, “Nghị định 69 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của NHTM Việt Nam về tổng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngân hàng Việt Nam ở mức 30% là phù hợp với cam kết mở rộng thị trường của Việt Nam khi gia nhập WTO”- ông Hưng khẳng định.
Ông Hưng cũng cho biết thêm: Căn cứ trên cơ sở chủ trương khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng cổ phần yếu kém theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 69 và có bổ sung quy định: Trong trường hợp đặc biệt, để cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ quy định tổng mức cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài và người có liên quan của nhà đầu tư nước ngoài đó tại tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn trên đối với từng trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, ông Hưng khẳng định, các kiến nghị của BWG, NHNN đã có tiếp thu, ghi nhận và xem xét, thời gian tới sẽ tiếp tục xử lý các kiến nghị này./.