Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi điều chỉnh tỷ giá tăng 9,3% hôm 11/2.

Tỷ giá trần áp dụng cho các NHTM hôm nay là 21.021 đồng, tăng 10 đồng so với mức duy trì suốt từ 28/10.

Các ngân hàng đa số nâng giá bán USD lên kịch trần và mua vào sát trần, phổ biến ở mức 21.000 – 21.021 đồng (mua – bán), riêng Vietcombank tăng giá bán thêm 8 đồng lên 21.019 đồng và mua vào đắt nhất trong số các ngân hàng, tại 21.015 đồng.

Như vậy, so với thời điểm Thống đốc cam kết kiểm soát tỷ giá không tăng quá 1% đến hết năm hôm 7/9, tỷ giá đến nay đã tăng tổng cộng 185 đồng, tương đương 0,9%.

Mức tăng này, thực ra, cũng không phải là lớn và vẫn nằm trong phạm vi “cam kết” của Thống đốc Ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, đây là động thái có thể gây chú ý vì đã khuấy động sự tĩnh lặng kéo dài.

Việc tỷ giá ổn định đi kèm với thị trường vàng hạ nhiệt được xem là một thành công của Ngân hàng Nhà nước trong việc bình ổn thị trường. Việc nhích tỷ giá trung tâm thêm 10 đồng nữa có thể là động thái phản ứng lại nhu cầu USD tăng lên vào thời điểm cuối năm. Nhờ thành công trong việc kiềm chế tỷ giá suốt tháng 11 và nửa đầu tháng 12, dư địa cho việc điều chỉnh tỷ giá cũng lớn hơn và có khả năng sử dụng tốt hơn trong những ngày còn lại của năm.

Áp lực lên tỷ giá tới đây được dự báo là không mạnh, nhờ lượng kiều hối dồi dào và sự sụt giảm trong nhập siêu tháng 11. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), lượng kiều hối về Việt Nam trong năm nay có thể lên tới 9 tỷ USD, giúp cán cân thanh toán tổng thể thặng dư 3 tỷ USD vào cuối năm.

Việc siết chặt quản lý thị trường tự do khiến những biến động trên thị trường này không thái quá trước mỗi thay đổi từ chính sách.

Theo Nghị định 95/2011/ND-CP ngày 20/10/2011 thì mức phạt đối với hoạt động giao dịch ngoại hối trái phép đã tăng từ 70 triệu đồng lên 500 triệu đồng, đồng thời tịch thu tang vật. Điều này khiến các giao dịch quy mô lớn trên thị trường tự do trở nên rủi ro, và người dân có xu hướng giao dịch tại các ngân hàng, giúp tạo nguồn cung./.