Đánh giá tình hình kinh tế sau 7 tháng vừa qua, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng dù nền kinh tế đang tiếp tục phục hồi trong điều kiện lạm phát thấp, nhưng 5 tháng cuối năm sẽ vẫn phải đối diện với một số khó khăn ở: Phát hành trái phiếu chính phủ, lãi suất; tốc độ thu ngân sách Nhà nước; tỷ giá.

ngansach92241960_nyiz.jpg
Giá dầu giảm là nguyên nhân chính khiến thu ngân sách khó khăn (Ảnh minh họa: KT)
Giải thích cụ thể hơn, Ủy ban này cho biết: Lũy kế 7 tháng, phát hành TPCP vẫn thấp so với kế hoạch năm, mặc dù tỷ lệ trúng thầu TPCP trong tháng 7 cải thiện hơn. Tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu trong tháng 7 tăng lên 63,8%, mức cao nhất kể từ tháng 3/2015. 
Lãi suất phát hành giữ ở mức cao là 6,4%, 6,7% và 7,65% cho các kỳ hạn tương ứng 5 năm, 10 năm và 15 năm. Tính từ đầu năm đã phát hành được 86.106,69 tỷ TPCP qua kho bạc Nhà nước, đạt 34,4% kế hoạch năm với tỷ lệ huy động thành công là 58,4% và kỳ hạn phát hành bình quân đạt 8,48 năm.

Thu ngân sách (đến 15/7) đạt 52,3% so với dự toán cả năm 2015, thấp hơn so với cùng kỳ 2014 (57,3%). Giá dầu giảm là nguyên nhân chính khiến thu ngân sách khó khăn; thu từ dầu thô giảm (-32,5%) so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ thu nội địa tăng khá (tăng 15,1% so với cùng kỳ) và dự kiến tiếp tục cải thiện 5 tháng cuối năm, dự báo thu ngân sách đạt dự toán.

Cùng với đó, về mục tiêu điều hành tỷ giá, vẫn còn khó khăn. Trong đó, có áp lực triển vọng tăng lãi suất của FED vào cuối năm làm tăng xu hướng đảo chiều của dòng vốn gián tiếp ra khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Mặt khác, đồng USD tăng giá cũng ảnh hưởng nhất định lên tỷ giá trong nước./.