Đã vào mùa khai thác biển, nhưng hiện nay có không ít tàu cá của ngư dân các tỉnh miền Trung chưa thể ra khơi do thiếu bạn đi biển. Nhiều chủ tàu phải tìm mọi cách để giữ chân bạn chài sau mỗi chuyến ra khơi, nhưng lao động nghề biển vẫn đang là bài toán nan giải tại các địa phương ven biển hiện nay.

Những ngày này, hàng chục tàu câu mực của ngư dân làng chài Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phải nằm bờ do không đủ bạn đi biển. Ngư dân Nguyễn Văn Thành cho biết, mỗi tàu câu mực cần từ 20 - 40 lao động đi biển, nhưng đến nay rất ít tàu kiếm đủ người. Cả làng chài Bình Chánh có hơn 70 tàu câu mực nhưng đa số đều không đủ bạn chài để vươn khơi.

“Tàu nào làm đạt năng suất sẽ được tiếp tục ra khơi, nhưng có những tàu không đạt thì bạn chài nghỉ. Mặc dù nhiều doanh nghiệp cũng muốn tìm cách giữ chân lao động để đi đánh bắt như ứng tiền trước, bỏ tiền mua bạn chài, tặng quà gia đình dịp Tết, thăm hỏi khi đau ốm nhưng không thành công”, ông Thành cho biết.

Thời gian qua, mỗi phiên biển đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, các chủ tàu cá cần từ 20 lao động trở lên. Đa số lao động trên tàu cá là người bà con, anh em họ hàng, số khác từ các tỉnh bạn. Tỷ lệ ăn chia theo sản lượng đánh bắt thường là chủ tàu 6 phần, còn bạn chài hưởng 4 phần.

Ngư dân Nguyễn Bình, chủ tàu cá QNg 95526, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho biết, bạn chài có gắn bó lâu dài với chủ tàu hay không còn tùy thuộc vào tỷ lệ ăn chia và hiệu quả mỗi phiên biển. “Để giữ lao động chỉ có cách dùng tiền ứng trước cho bạn chài, nhưng thời gian vừa qua lượng khai thác giảm sút khiến nhiều chủ tàu gặp khó khăn trong việc giữ người lao động”, ông Bình cho biết.

Theo Đề án Quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, số lượng tàu thuyền trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn khoảng 5.300 chiếc, với tổng công suất 1,6 triệu CV; tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động, trong đó số lao động nghề cá qua đào tạo khoảng 70%.

Theo ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi, địa phương hiện có khoảng 38.000 lao động nghề cá. Hàng năm, đơn vị phối hợp với các cơ sở, tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ cho hàng trăm thuyền trưởng, máy trưởng, thợ máy… những người trước đây hành nghề trên tàu cá vẫn là lao động phổ thông.

Tuy nhiên hiện nay, số lượng tàu cá đông nhưng nguồn lao động bổ sung cho nghề cá ngày càng giảm. Trong khi điều kiện lao động và thu nhập của các loại hình kinh tế trên bờ phát triển, đang kéo theo lượng lớn lao động nghề cá chuyển đổi ngành nghề.

“Định hướng về lâu dài và tăng lực khai thác, các doanh nghiệp cần cắt giảm số lượng tàu cá, khi đó lực lượng lao động sẽ không phân tán nhiều mà tập trung lại. Mặt khác, các doanh nghiệp cần từng bước cơ giới hóa các trang thiết bị khai thác thủy sản, giảm bớt nguồn nhân lực lao động trên tàu. Khi đó, thu nhập của người lao động đảm bảo ổn định sẽ khiến họ gắn bó lâu dài với nghề cá”, ông Mười đưa ra giải pháp./.