Trình bày báo cáo Thẩm tra tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 trước Quốc hội chiều 23/10, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ sự cần thiết phải thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước ở tất cả các ngành, các cấp.
Ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Cần triệt để tiết kiệm chi; gắn việc bố trí các dự án, nhiệm vụ chi với khả năng cân đối nguồn lực; khoán chi hành chính, sử dụng xe công; đẩy mạnh đấu thầu, đặt hàng trong cung cấp dịch vụ công.
Trong bối cảnh ngân sách khó khăn, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ năm 2018 chỉ bố trí mua ô tô theo chức danh từ cấp Bộ trưởng và tương đương trở lên, khi thực sự cần thiết phải bổ sung các chức danh còn lại đang được bố trí xe đưa đón sẽ nghiên cứu, tiến tới thực hiện khoán chi.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền; giảm mạnh chi cho hội nghị, hội thảo, lễ hội...
Đồng thời, không bố trí ngân sách để khởi công, khánh thành các công trình, chi cho hoạt động không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Không ban hành chính sách mới khi không có nguồn lực bảo đảm.
Đối với chi cải cách tiền lương, ông Nguyễn Đức Hải cho hay, đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở trên 7% theo nghị quyết của Quốc hội.
Ngoài ra, một số ý kiến đề nghị, căn cứ lộ trình tăng mức lương cơ sở khoảng 7% hằng năm từ nay đến năm 2020, có thể cho phép một số địa phương có điều tiết thu về ngân sách trung ương trên cơ sở cam kết bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình, được sử dụng 50% số dư từ nguồn cải cách tiền lương của địa phương để bổ sung vốn đầu tư phát triển./.
Xe công “ngốn” tiền thế nào trước và sau dự kiến khoán?