Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy nền kinh tế trong quý III đã tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính lên tới 7,46%, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2017 lên trên 6,41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,7% thì quý IV này phải đạt mức tăng trưởng ít nhất 7,4%. Con số này cao gần gấp rưỡi so với tốc độ tăng trưởng quý đầu tiên của năm 2017 (5,15%) và cao hơn nhiều so với quý II (6,28%). Đây là nhiệm vụ khó khăn và là thách thức lớn đối với nền kinh tế bởi mức tăng trưởng này đã 6 năm nay chưa lặp lại.
Những tín hiệu khả quan
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, mặc dù kết quả kinh tế- xã hội 9 tháng là tích cực, nhưng các Bộ, ngành không được chủ quan mà phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm nay.
Thủ tướng cho rằng, trong quý III, kinh tế cả nước tăng trưởng đột biến lên mức 7,46%, chủ yếu ở các khu vực sản xuất dịch vụ; nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao với mức xuất khẩu nông sản đạt cao; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ, bán lẻ và du lịch.
Theo đánh giá của Thủ tướng, với tốc độ này, nếu không có thiên tai lớn xảy ra, cùng với khắc phục tư tưởng chủ quan trong chỉ đạo, điều hành và khắc phục một số tồn tại, bất cập thì năm nay sẽ là năm đầu tiên sau nhiều năm, Chính phủ hoàn thành vượt mức toàn diện tất cả 13 chỉ tiêu mà Trung ương Đảng, Quốc hội giao. Và quan trọng là tăng trưởng từ động lực phát triển sản xuất dịch vụ chứ không phải là tăng trưởng từ tín dụng hoặc khai khoáng.
Theo Tổng cục Thống kê, quý III đã xuất hiện nhiều điểm sáng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt các ngành sản xuất linh kiện điện tử. Tăng trưởng trong ngành thủy sản trên 5% cũng là một điểm sáng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, cho thấy hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu từ cây lúa sang thủy sản. Khu vục dịch vụ cũng tăng trưởng mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong quý III tăng cao tăng 9,2%.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, cho biết con số tăng trưởng cao trong quý III đi liền với chất lượng tăng trưởng. Song song với việc tính toán tốc độ tăng trưởng, Tổng cục Thống kê có quan tâm và tính toán các chỉ số về vốn, năng suất lao động, chỉ số TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp), cũng như tỷ suất vốn đầu tư/GDP. Đây là các chỉ số cho phép đo một phần về chất lượng của tăng trưởng.
Ông Nguyễn Bích Lâm nhận định, với xu hướng tăng trưởng kinh tế quý IV thường cao, cùng sự phát triển kinh tế trong quý III, mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% là có khả năng đạt được.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm, theo ông Lâm, cần tập trung vào một số vấn đề như ổn định thị trường tài chính tiền tệ, kiểm soát lạm phát, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên… Ngoài ra, cần tăng cường công tác phòng chống bão lũ, hạn chế ảnh hưởng của thiên tai đến nông nghiệp. Giải ngân vốn đầu tư công được giao một cách đúng mục đích, hiệu quả, tránh lãng phí. Ổn định thị trường bất động sản.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong nước, kiểm soát nhập khẩu, duy trì tăng cường xuất khẩu nông sản. Cần đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam đăng cai APEC.GDP quý III tăng mạnh, mục tiêu đạt tăng trưởng cả năm 6,7% khả quan
Thận trọng
Chia sẻ trên Zing, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng tốc độ tăng trưởng cao trong quý III là tín hiệu đáng mừng. Ông cũng lạc quan rằng Chính phủ có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 là 6,7%.
Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh cũng lưu ý sự lạc quan với tốc độ tăng trưởng đi kèm thận trọng, khi động lực chính phát triển kinh tế của đất nước đến từ các doanh nghiệp FDI. Khi các doanh nghiệp này làm ăn tốt lên thì chỉ số kinh tế sẽ được hưởng lợi. Tuy nhiên, khi họ làm ăn không tốt, chắc chắn tốc độ tăng trưởng GDP bị ảnh hưởng không nhỏ.
Khối FDI và xuất khẩu đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế (Ảnh minh họa: KT) |
Trên Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế Lê Đình Ân cũng cho rằng, với mức tăng trưởng GDP quý III/2017 ở mức 7,46%, thì khả năng đạt mức tăng trưởng GDP cả năm 2017 ở mức 6,7% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hoàn toàn có thể.
TS. Lê Đình Ân lạc quan về tăng trưởng của khối FDI và tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng tỏ ra lo ngại về đầu tư của Nhà nước giảm, đầu tư vẫn chủ yếu dựa vào lao động giá rẻ và gia công. TS. Lê Đình Ân lưu ý, để đạt được mức tăng trưởng cao Quý IV/2017, thì phải giải ngân vốn về đầu tư xây dựng, tiếp tục đẩy mạnh, tăng trưởng xuất khẩu, hướng vào các mặt hàng, dựa vào sự tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI.
Theo Báo cáo cập nhật triển vọng Kinh tế châu Á 2017 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), GDP của Việt Năm được dự báo giảm xuống còn 6,3% cho năm 2017 và 6,5% trong năm 2018 (giảm 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó). Nguyên nhân của việc điều chỉnh này là sự sụt giảm tới 8% trong nửa đầu năm của ngành khai khoáng và dầu thô.
Một số tổ chức quốc tế khác, bao gồm Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng điều chỉnh giảm với chỉ số dự báo tăng trưởng của Việt Nam, về mức 6,3% so với mức 6.5% trước đó./.
Thủ tướng: Không chủ quan, say sưa với tăng trưởng 7,46%
ADB hạ thấp dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam