Trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV ngày 23/5, ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, bên cạnh tình trạng lạm dụng ngân sách mua sắm tài sản công còn do ý thức tiết kiệm chưa cao.

le_thanh_van_stcq.jpg
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị phải có hình thức kỷ luật thích đáng với những sai phạm trong vấn đề tài chính ngân sách (Ảnh: Bích Diệp)

Trước tình trạng số lượng ô tô công dôi dư lên tới hơn 2.300 chiếc nhưng nhiều đơn vị vẫn mua thêm, ông Lê Thanh Vân nêu thực tế: "Ở đây liên quan đến ý thức của người thực thi công vụ. Việc lạm dụng ngân sách để mua tài sản là có thật trong thực tế".

Vị đại biểu Quốc hội này cũng nói rõ tình huống: "Người ta đã đưa vào dự toán và khi thực hiện dự toán đó thì họ mua bằng được. Trong khi đó, thực tiễn có thể thay đổi và nhu cầu cũng có thể thay đổi, nếu họ ý thức được vấn đề tiết kiệm thì họ sẽ tự giác không mua sắm nữa để tiết kiệm cho ngân sách nhà nước".

Theo ông Vân, vì ý thức chưa cao, chưa có tinh thần tiết kiệm nên mới có tình trạng, cho dù tình huống đã thay đổi, nhu cầu đã thay đổi, nhưng khi đưa vào kế hoạch thì vẫn thực hiện.

Một số cơ quan, đơn vị vẫn sắm xe mới trong khi xe công vẫn dư thừa (Ảnh minh họa: KT)

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân nêu ra hai giải pháp để khắc phục tình trạng trên.
Thứ nhất, phải kiểm toán luôn từ khâu dự toán để từ đó xác định nhu cầu chi của các tổ chức, đơn vị trước khi quyết định xây dựng dự toán.
Giải pháp tiếp theo là trong quá trình điều hành ngân sách mà thấy nhu cầu đã thay đổi rồi, tình huống đã thay đổi thì điều chỉnh dự toán chi. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng lãng phí và thực hành tiết kiệm theo đúng Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí.

Báo cáo kiểm toán Quyết toán ngân sách Nhà nước cho thấy, các bộ, ngành, địa phương dôi dư 2.334 xe công. Tuy nhiên, đến ngày 8/3/2017, mới chỉ có 23/28 bộ, cơ quan Trung ương và 19/50 địa phương báo cáo về Bộ Tài chính phương án xử lý./.