Đây là khẳng định của ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) tại cuộc họp báo chuyên đề về Nghị định 32/2019/NĐ- CP quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Theo ông Phạm Văn Trường, việc xây dựng và ban hành Nghị định 32 nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hoá một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, quy định một cách toàn diện, thống nhất về các vấn đề liên quan đến cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công, tạo công bằng, minh bạch trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

dich_vu_cong_iayb.jpg
Nghị định 32 sẽ“mở cửa” cho tư nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công (Ảnh minh hoạ: KT)

Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp cho rằng, quy định tại Nghị định 32 đã cụ thể hóa các chủ trương, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công. Trong đó, có nội dung đổi mới cơ bản về giá và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công để đơn vị sự nghiệp công lập có thể tiến tới hạch toán đầy đủ, từ đó chuyển sang cơ chế tự chủ ở mức cao hơn, nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Nghị định 32 được xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của Nhà nước. Nghị định quy định cụ thể về việc giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công (dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước) thực hiện theo các phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu, đối với sản phẩm, dịch vụ công ích thực hiện theo các phương thức này (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định)…

Đáng lưu ý, Nghị định 32 quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý cấp trên trong việc giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu; trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập và nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ sự nghiệp công khác; trách nhiệm của cơ quan theo dõi, giám sát trong quá trình thực hiện để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả.

“Những quy định này sẽ giúp cơ quan thực hiện dễ dàng áp dụng cũng như cơ quan giám sát có cơ sở đánh giá rõ ràng hơn. Từ đó, nâng cao tính hiệu quả của việc sử dụng dịch vụ công và hiệu quả của việc sử dụng ngân sách nhà nước”, ông Phạm Văn Trường khẳng định.

Cũng theo ông Trường, bước đầu thực hiện Nghị định 32 có thể sẽ còn khó khăn vướng mắc nhất định do các bộ ngành sẽ phải thực hiện đánh giá, sắp xếp lại. Nhưng khi việc thực hiện đi vào nề nếp thì sẽ có nhiều thuận lợi, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước cho các dịch vụ công.

Một mục đích nữa của Nghị định 32 đặt ra đó là thúc đẩy tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Cùng với đó, sẽ tạo sức ép đối với những đơn vị này trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ công với chi phí và chất lượng tốt nhất, góp phần đáp ứng yêu cầu quản lý của Nhà nước.

Thực tế, hiện còn rất nhiều dịch vụ công đang do các cơ quan nhà nước thực hiện trong quy trình gần như khép kín, gắn với chức năng quản lý nhà nước, như các hình thức cấp phép, thẩm định năng lực… Cách làm này nhiều khi đẩy cơ quan nhà nước vào thế vừa làm luật, vừa giám sát và vừa là người chơi. Hệ quả là nguy cơ gây ra tình trạng không minh bạch, cơ chế xin – cho, “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Trong khi đó, trong nhiều trường hợp, khu vực tư nhân thể hiện vai trò sử dụng hiệu quả đồng vốn tốt hơn so với khu vực công.

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Ngô Chí Tùng, Phó Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cũng khẳng định, Nghị định 32 là một quy định hoàn toàn mới, giúp “mở toang” cánh cửa cho các thành phần kinh tế tham gia cung ứng dịch vụ công. Nghị định này vừa giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước đồng thời tăng tính tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập./.