- Thị trường xăng dầu Tây Nguyên sau tăng giá
- Kinh doanh chân chính, thị trường bình ổn
- Tây Nguyên chưa thể chấn chỉnh kinh doanh xăng dầu
Trước những diễn biến bất ổn trên thị trường xăng dầu tại Đắc Lắc trong những ngày vừa qua, chiều 24/2 thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắc Lắc và ngành công thương tỉnh này hầu giải quyết vấn đề một cách cặn kẽ.
Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác của Bộ Công thương với lãnh đạo UBND tỉnh Đăc Lắc, các sở ngành liên quan, các doanh nghiệp đầu mối cung ứng xăng dầu, vẫn là câu chuyện đầu mối cung ứng đủ nhưng thị trường thiếu, nhưng câu hỏi có hay không tình trạng găm hàng, đầu cơ trong những ngày vừa qua thì vẫn chưa được trả lời một cách thoả đáng.
Ông Nguyễn Huynh, Giám đốc Công ty xăng dầu Nam Tây Nguyên, đơn vị phải gánh một lượng lớn khách hàng trong nhiều ngày qua khẳng định, việc trữ hàng, đầu cơ là rõ ràng. Bằng chứng là ngay sau khi có quyết định điều chỉnh tăng giá mặt hàng xăng dầu, sản lượng bán ra tại các cửa hàng của công ty đều giảm nhiều so với những ngày trước. Ông Huynh nói: “Sau khi có quyết định điều chỉnh tăng giá, các cửa hàng của chúng tôi sản lượng bán ra giảm đi rất nhiều. Nguyên nhân là do các cửa hàng khác khi tăng giá mở cửa hoạt động trở lại, góp phần chi phối thị trường.”
Biểu hiện tiêu cực rất rõ trong nhiều ngày qua, ngành chức năng ở Đắc Lắc không phát hiện được trường hợp vi phạm cụ thể. Theo ông Nguyễn Tuấn Hà, Chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đắc Lắc, căn cứ vào nghị định 107 của Chính phủ, chỉ xác định được doanh nghiệp găm hàng khi lượng hàng tồn kho vượt 150% so với tháng trước và điều này thì chưa thấy có doanh nghiệp nào vi phạm quy định này. Nếu dưới mức này, chỉ có thể coi là trữ hàng, không vi phạm pháp luật!
Sáng nay, đoàn công tác của Bộ Công thương do thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa dẫn đầu đã đi thị sát thị trường xăng dầu ở Đắc Lắc. Tại các điểm nóng như Buôn Hồ, Krông Búc, đoàn đã bắt quả tang 2 cửa hàng xăng dầu bán giá cao so với quy định và đóng cửa không bán hàng. Tại doanh nghiệp đóng cửa treo biển “hết xăng”, đoàn phát hiện máy bơm vẫn vận hành và khi có quyết định điều chỉnh tăng giá thì ngay lập tức cửa hàng này hoạt động trở lại. Vẫn với lý do lượng xăng trong kho của đại lý chưa vượt quá 150% so với tháng trước, nên ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng, Cục quản lý thị trường Bộ Công thương, cho rằng, trong những ngày vừa qua tại Đắc Lắc không có găm hàng nhưng trữ hàng thì có.
Ông Tín nói: “Thực ra nếu gọi là găm hàng thì chưa bắt được trường hợp nào, nhưng tích trữ một chút thì có”
Vào thời điểm cà phê Tây Nguyên đang rất khát nước, chi phối lớn đến năng suất-sản lượng năm tới thì cái gọi là “tích trữ một chút” hay bán cầm chừng như ông Tín vừa nói cũng đã đủ gây nên những hậu quả khó lường. Những nhiễu loạn trên thị trường xăng dầu ở Tây Nguyên thời gian qua còn cho thấy, những chế tài đối với ngành kinh doanh này là chưa chặt chẽ, chưa đủ sức răn đe./.