Sự kết hợp của logistics và thương mại điện tử đang tạo ra một ngành kinh doanh mới phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Nhưng tại Việt Nam, theo khảo sát của Bộ Công Thương, khó khăn lớn tác động tới sự phát triển của hai ngành này là môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường và nguồn nhân lực. Logistics phục vụ thương mại điện tử cũng gặp những khó khăn tương tự.

logis_qxwe.jpg
Hội thảo "Logistics và thương mại điện tử: Đồng hành để cùng phát triển" do Cục Xuất nhập khẩu và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế - Bộ Công Thương phối hợp tổi chức ngày 10/4 tại Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Quang Thuật, Giám đốc Trung tâm xử lý đơn hàng của Công ty Cổ phần công nghệ Sen Đỏ, trong lĩnh vực logistics, vận chuyển được coi là xương sống của thương mại điện tử, nhưng hầu như các nhà vận chuyển lớn trong nước đều không đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp thương mại điện tử.

Nguyên nhân là dịch vụ logistics tại Việt Nam còn rất sơ khai, chủ yếu mang logistics truyền thống sang phục vụ điện tử. Ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Express cho biết, thương mại điện tử khác với thương mại truyền thống, vì có ngày cao điểm doanh số bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp có thể bằng tổng lượng đơn hàng của cả 1 năm. 

Theo ông Thịnh, ở Việt Nam chưa có Luật về logistics, thủ tục hành chính cũng phức tạp, chẳng hạn Thông tư liên tịch số 64 quy định hàng hóa vận chuyển trên đường phải có đơn hàng. "Nếu thương mại điện tử 1 ngày có hàng trăm đơn hàng, có đơn hàng chỉ vài chục nghìn đồng sẽ khó có thể kẹp hóa đơn cho từng đơn hàng"- ông Thịnh nhấn mạnh.

Hơn nữa, lực lượng shipper để vận chuyển hàng hóa chủ yếu là xe máy, trong khi chi phí đầu tư và vận chuyển hàng bằng ôtô cao. Về nhân lực cho logistics phục vụ thương mại điện, hiện chưa có trường để đào tạo chuyên ngành.

Trong khi đó, thương mại điện tử muốn phát triển mạnh, không thể thiếu các dịch vụ logistics có chất lượng. Ngược lại, dịch vụ logistics là một mắt xích then chốt để hoàn tất mua bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình.

Việc thiếu liên kết giữa doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp logistics là một điểm yếu của thương mại điện tử Việt Nam, đồng thời làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp logistics. Hiện đã có một số doanh nghiệp tạo liên kết bước đầu, nhưng thiếu chuyên nghiệp, không đánh giá hết vai trò của công nghệ nên hiệu quả hợp tác chưa cao.

Theo ông Vũ Đức Thịnh, các doanh nghiệp logistics cho thương mại điện tử cần đầu tư vào công nghệ theo hướng tự động hóa, nâng cao năng lực vận hành. Tiếp đến là phải nghiên cứu ứng dụng từ thế giới vào Việt Nam và cần đầu tư vào con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ thực tế các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

“Logistics ở Việt nam còn rất sơ khai nên cần sự kết nối giữa các doanh nghiệp và hỗ trợ của các cơ quan chức năng”, ông Thịnh nêu ý kiến.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam - ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội thì cho rằng, hiện thương mại điện tử đang phát triển, việc các doanh nghiệp logistics có nắm bắt được cơ hội này hay không, ngoài những yếu tố liên quan đến các quy định của pháp luật thì còn cả yếu tố về phát triển ứng dụng công nghệ./.

Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tính đến năm 2017, các nhà bán lẻ thương mại điện tử của Ấn Độ chi từ 5 - 15% doanh thu cho Logistics, trong khi ở Mỹ là 11,7% (2015). Năm 2017, chi phí logistics tại Việt Nam ước tính khoảng 16,8% GDP, trong khi theo báo cáo của Armstrong, chi phí này ở Thái Lan là 15% và Singapore 8,5%./.