Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các lĩnh vực về đăng ký doanh nghiệp và tiếp cận điện năng tiếp tục được đánh giá cao, thuế được nhận định là đang có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký qua mạng, qua bưu điện hoặc qua trung tâm hành chính công tăng từ 12,5% (2017) lên 17,39% (2018).

Đối với việc nộp thuế, khảo sát với hơn 1.700 doanh nghiệp về sự hài lòng của các thủ tục hành chính thuế năm 2019 cho thấy, 97% doanh nghiệp đồng ý với nhận định thủ tục nộp thuế điện tử dễ thực hiện, chỉ 3% nhận định khó khăn. Các lĩnh vực khác như: tiếp cận tín dụng, tiếp cận điện năng tiếp tục được các doanh nghiệp đánh giá cao…

Mặc dù cải cách nhiều, nhưng vẫn còn không ít “phàn nàn” về sự chậm trễ, thậm chí là không cải cách, “cải lùi” của nhiều lĩnh vực. Cộng đồng doanh nghiệp phản ánh đang có sự cải cách không đồng đều giữa các lĩnh vực, vẫn còn tình trạng một số cơ quan cải cách một cách đối phó, hình thức.

dnghiep_wxrj.jpg
Cần nỗ lực hơn để cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính không có sự chuyển biến, năm 2018 vẫn còn trên 58% doanh nghiệp cho biết gặp nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính. Tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép trong kinh doanh vẫn ở mức cao, có đến gần 350.000/714.000 doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó. Tình trạng điều kiện doanh được đưa vào luật rất chung chung gây khó khăn cho việc đảm bảo tính minh bạch, hợp lý, khả thi của quy định. Các điều kiện đầu tư kinh doanh ở cấp luật vẫn chưa được đơn giản hóa nhiều như ở cấp Nghị định…

Chia sẻ về những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, dường như các Bộ, ngành có sự nể nang nhau nhiều, kéo theo khi doanh nghiệp kiến nghị sửa đổi lại không đạt được kết quả sửa đổi 100%, có những kiến nghị nói đi, nói lại vẫn chưa thông.

“20 năm nay ngành chế biến thủy sản có một quy chuẩn kỹ thuật cho xả thải, tôm và cá chỉ rửa nước và sẽ trôi xuống dưới hố-  nước đấy là nước thải. Nhưng hiện nay ngưỡng về công nghệ của chỉ tiêu phốt pho - quy định này đang quá hà khắc với chúng tôi. Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp mời lãnh đạo Bộ Tài Nguyên và Môi trường ngồi bàn tròn để thống nhất, rồi đi khảo sát vào tháng 10 năm ngoái. Đến nay hơn 1 năm kết quả khảo sát lại vẫn nằm đó”, ông Nguyễn Hoài Nam nêu ý kiến.

Cũng theo đại diện của các chủ doanh nghiệp, những chồng chéo của các quy định pháp luật còn tồn tại. Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội sản xuất kinh doanh thuốc thú y Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương 5 (Fivevet) cho rằng, thời gian qua, bên cạnh việc Chính phủ đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hiện vẫn còn nhiều văn bản đang chồng chéo lên nhau, nếu tiếp tục thực thi sẽ gây khó cho doanh nghiệp. Đơn cử như ngành thuốc thú y, đây là sản phẩm sản xuất có điều kiện đặc thù và phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế. Song hiện tại, việc sản xuất thuốc đang phải chịu quản lý theo các quy định hợp chuẩn, hợp quy trong nước sẽ khiến các quy định chồng chéo.

Cải cách nhằm hoàn thiện thể chế cũng tạo động lực cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Hương nêu thực tế: “Thuốc thú y đã có giấy phép lưu hành mà vẫn tiến hành việc công bố hợp quy thì chúng tôi thấy có sự chồng chéo. Nhà nước có 3 công cụ quản lý chất lượng sản phẩm đó là điều kiện sản xuất, quy chuẩn kỹ thuật và giấy phép lưu hành. Thuốc thú y hiện nay đã quản lý rất chặt chẽ về điều kiện sản xuất và giấy phép lưu hành. Hiện nay Chính phủ đang yêu cầu giảm bớt các thủ  tục chồng chéo gây khó khăn cho doanh nghiệp, nếu làm thêm việc công bố hợp quy thì đây là một sự chồng chéo”.

Tại đối cuộc đối thoại với doanh nghiệp mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thực sự cởi trói, ủng hộ để doanh nghiệp bứt phá. Cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành nghề…. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện nhất quán và triệt để trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung vào những khâu còn yếu và doanh nghiệp còn kêu ca; phải tiếp tục giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh...

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh hiện còn “khấp khểnh”, sự chậm trễ của thủ tục của cải cách thể chế hành chính vẫn đang là vấn đề cần phải được tiếp tục giải quyết. Theo đó, khẩu hiệu cho cải cách hành đó là chúng ta chung tay và phải nhanh tay lên.

“Một trong những điều quan trọng trong thời gian tới, để cải cách không chỉ có việc quán triệt, không chỉ có việc thực thi những đường lối chủ trương, chính sách được hoạch định từ Trung ương, mà còn cần phải sáng tạo ra những mô hình cải cách phù hợp với địa phương. Như vậy thì việc lan tỏa, chia sẻ thực tiễn quản trị tốt sẽ là một cách thức rất tốt để chúng ta có thể cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao sự phát triển của doanh nghiệp”, ông Vũ Tiến Lộc cho hay.

Chính phủ đặt mục tiêu, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020. Nhưng theo tính toán của VCCI, nếu có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng số doanh nghiệp trong giai đoạn 2015-2018 là 17,3% thì đến ngày 31/12/2020, cả nước sẽ có 984.000 doanh nghiệp, đạt 98,4% so với mục tiêu đề ra. Do đó, nếu chúng ta cứ duy trì tốc độ tăng trưởng như 3 năm qua thì rất khó đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu này, phải tạo ra sức ép và áp lực cho sự cải cách nhằm hoàn thiện thể chế cũng như tạo động lực cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới./.