Tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2019 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực tranh quốc gia và Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 sau thời gian thực hiện cho thấy, đang có sự cải cách không đồng đều trong các lĩnh vực.

Theo đó, bên cạnh một số lĩnh vực liên tục có sự chuyển biến tích cực cả về xây dựng chính sách lẫn thực thi, thì một số lĩnh vực khác lại chưa có những cải thiện đáng kể trong nhiều năm qua.

Sau thời gian triển khai thực hiện Nghị quyết 02 và 35, môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể. Các chỉ số đánh giá của thế giới cũng như kết quả khảo sát cảm nhận của doanh nghiệp và nhận định của nhiều chuyên gia đều cho thấy chung kết quả này. Những nhận định trên là tương đồng với đánh giá về Việt Nam của Ngân hàng Thế giới trong loạt Báo cáo Mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh (Doing Bussiness).

vov_mtkd_jxch.jpg
Tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép trong kinh doanh vẫn ở mức cao.

Cụ thể trong 13 báo cáo về sự thuận lợi trong kinh doanh của Ngân hàng Thế giới từ năm 2020, Việt Nam có 33 cải cách được ghi nhận. Lĩnh vực nộp thuế và tiếp cận tín dụng có nhiều biện pháp cải cách được ghi nhận nhất, 8 cải cách cho mỗi lĩnh vực. Các lĩnh vực về đăng ký thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn tiếp tục được các doanh nghiệp đánh giá cao.

Tuy nhiên, đang có sự cải cách không đồng đều giữa các lĩnh vực, vẫn còn tình trạng một số cơ quan cải cách một cách đối phó, hình thức. Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính không có sự chuyển biến, năm 2018 vẫn còn có trên 58% các doanh nghiệp cho biết gặp nhũng nhiễu khi làm thủ tục hành chính. Tỷ lệ doanh nghiệp phải xin giấy phép trong kinh doanh vẫn ở mức cao, có đến gần 350.000/714.000 doanh nghiệp vẫn phải xin một loại giấy phép con nào đó.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp, các lĩnh vực về phá sản doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu vẫn chưa có những cải thiện đáng kể. Tình trạng điều kiện doanh được đưa vào luật rất chung chung gây khó khăn cho việc đảm bảo tính minh bạch, hợp lý, khả thi của quy định. Các điều kiện đầu tư kinh doanh ở cấp luật vẫn chưa được đơn giản hóa nhiều như ở cấp Nghị định.

Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện còn “khấp khểnh”.

“Doanh nghiệp, địa phương sốt ruột nhưng thể chế vẫn còn đủng đỉnh. Nếu chúng ta làm nhanh, mỗi dự án đẩy nhanh tiến độ thêm 1 vài tháng thì tăng trưởng kinh tế sẽ tăng, nếu cứ chậm trễ thủ tục thì nguồn vốn không vào được, đầu tư không triển khai được, kinh tế không phát triển được. Do đó, sự chậm trễ của thủ tục của cải cách thể chế hành chính vẫn đang là vấn đề cần phải được tiếp tục giải quyết. Khẩu hiệu cho cải cách hành chính của Nghị quyết  02 và 35 đó là “chúng ta chung tay và phải nhanh tay lên”, ông Lộc nêu quan điểm.

Để cải cách thể chế đạt hiệu quả trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra là cần phải cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản; hạ tầng và tiếp cận điện năng; cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh; xuất nhập khẩu hàng hoá và kiểm tra chuyên ngành. Đẩy mạnh việc kiểm soát tham nhũng và giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp; tính ổn định của chính sách; cạnh tranh bình đẳng; minh bạch công tác thanh tra, kiểm tra.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, ông Nguyễn Đình Cung cho rằng, phải tạo ra sức ép và áp lực cho sự cải cách qua đó, nhằm hoàn thiện thể chế cũng tạo động lực cho sự phát triển.

“Không thể ngồi chờ một sự cải cách mà chỉ có đòi  hỏi chỉ có ép buộc mới có sự thay đổi. Nếu không có một sự ép buộc thúc đẩy một sự đòi hỏi thì khả năng thay đổi là rất khó. Do đó, những tổng kết về quá trình thực hiện  như thế này phải là quá trình liên tục để tạo ra sức ép và áp lực cho sự thay đổi”, ông Cung nói.

Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ là các Nghị quyết về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây là những Nghị quyết nêu quyết tâm của Chính phủ hướng đến sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam./.