Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻvới mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng giữa hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Đồng thời, khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển kinh tế số.

Theo Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Thị Tuệ Anh, tại nước ta mô hình này đã đi vào cuộc sống, song vẫn là mô hình mới mẻ. Mô hình này nhằm đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về mô hình kinh tế chia sẻ, phát huy các mặt tích cực làm giảm các mặt tiêu cực đến các bên tham gia mô hình kinh tế này ở nước ta.

“Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ là cơ hội để cùng nhau thảo luận và phân tích sâu hơn những mục tiêu những quan điểm, định hướng giải pháp về quản lý nhà nước của đề án nêu ra và sẽ thảo luận những khó khăn, vướng mắc và phương pháp tháo gỡ nhằm đảm  bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia  mô hình kinh tế chia sẻ; các giải pháp nhằm đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ số và phát triển kinh tế số ở nước ta trong thời gian tới để triển khai Đề án có hiệu quả”, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh nói.

tue_anh_wooc.jpg
Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Thị Tuệ Anh phát biểu tại Hội thảo. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích các quan điểm cơ bản nhận dạng và áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong hai lĩnh vực ngân hàng và giao thông vận tải.

Trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), các đại biểu cho biết, cơ chế thử nghiệm cho hoạt động fintech cho phép công ty khởi nghiệp và tổ chức đổi mới sáng tạo được thực hiện thử nghiệm sản phẩm, giải pháp trong môi trường được kiểm soát và giám sát chặt chẽ trước khi cung ứng ra thị trường. Cùng với đó Ngân hàng Nhà nước đã luôn chủ động trong việc hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án vè Cơ chế quản lý thử nghiệm hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng.

Chia sẻ về các hoạt động cho vay ngang hàng (P2P), TS. Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng đề xuất, cần bổ sung các hoạt động cho vay ngang hàng vào lĩnh vực kinh doanh có điều kiện: có cơ chế đăng ký giấy phép rõ ràng với các công ty này, đồng thời đưa ra các giới hạn để quản lý rủi ro như hạn mức tín dụng, loại hình cho vay. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và người vay trong việc tìm hiểu rõ hoạt động của công ty P2P, cũng như các điều khoản sử dụng, hợp đồng trước khi vay và trong quá trình cho vay.

TS. Hòe nêu ý kiến: “Các cơ quan nhà nước phải vào cuộc, đối với Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm này đang nghiên cứu và trình sớm khung pháp lý về P2P. Tuy nhiên, vấn đề là một mình Ngân hàng Nhà nước không thể làm được mà cần sự chia sẻ và vào cuộc của các bộ ngành như: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin… để tạo ra hành lang pháp lý để phát triển hoạt động cho vay ngang hàng tại nước ta”.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, các đại biểu đánh giá, các quy định cũ về định danh dịch vụ, cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, hợp đồng, thuế đã trở nên chật hẹp với những phát triển của kinh tế nền tảng.

Chuyên gia Ngô Vĩnh Bạch Dương, trưởng phòng Pháp luật Kinh tế, Viện Nhà nước và pháp luật kiến nghị, tiếp cận hướng cởi bỏ các điều kiện kinh doanh thay vì áp dụng các điều kiện kinh doanh gò bó của mô hình kinh doanh truyền thống lên các mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo.

Nhà nước cần xem xét các điều kiện giao dịch chung, đặc biệt trong việc phân định trách nhiệm các bên để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo vệ  các đối tác yếu thế trong giao dịch./.