Tại buổi tọa đàm, chính quyền, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân đã trao đổi xung quanh vấn đề tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển giá trị của sen Đồng Tháp. Trong đó, giải pháp trong quản lý dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm sen; tiêu chuẩn, chất lượng vùng nguyên liệu, nhu cầu liên kết tiêu thụ của doanh nghiệp; những khó khăn vướng mắc trong phát triển ngành hàng sen.
Đã có nhiều sản phẩm chế biến từ cây sen như: sen sấy bơ, sữa sen, rượu sen, các loại trà từ sen, bông sen, kéo sợi tơ sen và nhiều sản phẩm được làm từ sen. Hiệu quả kinh tế từ cây sen mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, dịch bệnh trên cây sen đã làm giảm diện tích, nhiều người dân trước kia chuyên trồng sen nay đã chuyển sang trồng lúa vì không có thuốc để trị bệnh cho cây sen.
Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM cho rằng, Đồng Tháp thế mạnh về sen nhưng chưa có sự đoàn kết để đưa ngành hàng sen phát triển mạnh, doanh nghiệp, người dân thời gian qua vẫn chưa có sự liên kết chặt chẽ. Ngoài ra, dịch bệnh những năm gần đây cũng ảnh hưởng đến diện tích trồng sen của người dân ở huyện Tháp Mười. Theo thống kê, từ năm 2014 - 2019 nguồn nguyên liệu từ sen đã giảm đến 50%. Vì vậy, cần có những giải pháp để phục hồi và phát triển giá trị của cây sen.
Theo Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang, trong thời gian tới cần có chính sách chuyển đổi từ lúa sang sen hoặc sen canh với lúa để phát huy hết giá trị của cây sen. Việc chuyển đổi này phải đi cùng với chính sách quy hoạch của từng vùng. Ngoài ra, nhu cầu của doanh nghiệp và sự đáp ứng của người dân để đảm bảo các đơn hàng với đối tác; chuẩn hóa sản phẩm và xúc tiến thương mại… Bên cạnh đó, cũng cần kết hợp phát triển du lịch để nâng cao hơn nữa giá trị của cây sen, phát triển du lịch phải bền vững, không thể mạnh ai người ấy làm như hiện nay.
“Cần phải hình thành hội quán, tổ hợp tác, đó là điều rất cần, tuy nhiên, hình thành hội quán, tổ hợp tác trên cơ sở bằng mặt và bằng lòng, và hội quán này tôi nghĩ không chỉ những người làm ở đây mà có thể các doanh nghiệp tham gia vào. Nếu người nông dân nào sản xuất đúng và làm tốt đúng như yêu cầu của doanh nghiệp thì lập tức doanh nghiệp sẽ kết nối và bao tiêu hàng hóa, gọi là cách liên kết bền vững. Ở đây doanh nghiệp cũng sẵn sàng, nhưng trên cơ sở anh phải đảm bảo chữ tín và doanh nghiệp cũng đảm bảo chữ tín cho nông dân qua hợp đồng, như vậy mới có thể bền vững được”, TS. Ngô Thị Thu Trang nói./.