Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ngày 16/11, nhiều đại biểu quan tấm tới việc đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp theo chương trình quốc gia khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2021.
Việt Nam có thế hệ doanh nghiệp khởi nghiệp mới, trẻ trung và quyết tâm thực hóa những đam mê kinh doanh |
Không phải chỉ có kỹ sư
Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (đoàn Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về giải pháp cụ thể để đẩy mạnh kết nối với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với các trường đại học để phát triển nguồn nhân lực nhằm đáp ứng mục tiêu cao đó là phát triển bền vững, đổi mới, sáng tạo và quốc gia khởi nghiệp.
Cùng mối quan tâm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) nêu câu hỏi: Bộ trưởng cần có chính sách gì để phát huy vai trò đội ngũ trí thức, khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao ở các cấp, các ngành… để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực phục vụ quốc gia khởi nghiệp?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, gần đây Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ đã có một quyết tâm đến năm 2020 cố gắng tạo ra 1 triệu doanh nghiệp khởi nghiệp. “Chúng tôi sẽ bám rất sát vào việc này để tạo nguồn nhân lực cho 1 triệu doanh nghiệp này. Cố gắng làm sao cùng với doanh nghiệp khởi hành ngay từ đầu, để đào tạo được những nguồn nhân lực, từ nghề cho đến đại học chứ không phải chỉ có kỹ sư”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 16/11 |
Người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo cũng sẽ làm việc rất kỹ với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thống nhất, phối hợp với nhau để làm sao cùng thống nhất các chương trình liên thông đào tạo, tạo ra một thị trường lao động linh hoạt.
Mệnh lệnh của các cuộc cách mạng công nghiệp
Tại buổi gặp gỡ, nói chuyện với cán bộ, giảng viên và sinh viên mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Việt Nam muốn trở thành quốc gia khởi nghiệp thì chính các bạn sinh viên phải khởi nghiệp đầu tiên.
Thủ tướng khẳng định, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Chính giáo dục đào tạo đã góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Nếu như năm 2000 tỉ lệ lao động qua đào tạo chỉ có có 16% thì nay đã lên 51%, trong đó có sự đóng góp lớn của các trường đại học nói chung.
Thủ tướng cùng các sinh viên thực hiện nghi thức phát động Chương trình Thanh niên khởi nghiệp (Ảnh: VGP) |
Trong lễ phát động Chương trình “Thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2016-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý: Đảng, Nhà nước luôn coi trọng công tác thanh niên, đặt thanh niên ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố, nguồn lực con người, coi việc chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Người đứng đầu chính phủ cho rằng, khởi nghiệp là mệnh lệnh của các cuộc cách mạng công nghiệp. Khởi nghiệp không chỉ là thiết lập các mô hình, ý tưởng sản xuất kinh doanh, đó có thể là khởi sự hành động trong các lĩnh vực khác nhau, hướng tới phục vụ cộng đồng, xã hội, giải quyết bài toán về con người và sự phát triển bền vững. Do vậy, giá trị của khởi nghiệp không chỉ là thành công tài chính của dự án kinh doanh mà còn là giá trị về xã hội, về tính nhân bản, đem lại sự khác biệt, được xã hội tôn trọng, Thủ tướng nêu rõ./.“Thổi lửa” vào tinh thần khởi nghiệp cho thanh niên Việt Nam