Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2018 (VBF 2018), Nhóm công tác thị trường vốn đã đưa ra nhiều kiến nghị liên quan đến sở hữu nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán và quy định phải có tiền và chứng khoán trước khi đặt lệnh giao dịch.
Trong phiên thảo luận về Nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, Nhóm công tác thị trường vốn - do ông Dominic Scriven làm Trưởng nhóm - đã có bài báo cáo về mục tiêu sửa đổi Luật Chứng khoán.
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư phải có đủ có tiền và chứng khoán trong tài khoản trước khi đặt lệnh giao dịch. (Ảnh minh họa: KT) |
Tuy nhiên, Trưởng Nhóm công tác thị trường vốn cũng chỉ ra bất cập trong quy định hiện tại về tiền và chứng khoán trong giao dịch khớp lệnh. Theo quy định hiện nay chứng khoán, nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán trước khi đặt lệnh giao dịch chứng khoán. Nhóm công tác cho rằng yêu cầu này là quá mức cần thiết.
Mục đích của quy định này là quản lí, ngăn chặn rủi ro phát sinh từ giao dịch. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng hiện tại bao gồm cả nhà đầu tư và công ty chứng khoán. Theo thông lệ quốc tế và khu vực, yêu cầu này chỉ áp dụng đối với công ty chứng khoán. Việc áp dụng quy định này đối với nhà đầu tư đã can thiệp quá sâu và vi mô tới thỏa thuận thương mại giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư, ông Dominic Scriven nêu ý kiến.
Quy định này cũng làm giảm thanh khoản thị trường, giảm chức năng của thành viên lưu ký, hạn chế sự linh hoạt của công ty chứng khoán, đồng thời làm tăng chi phí giao dịch khi nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, phải chịu chi phí lớn trong việc chuyển đổi ngoại tệ để giao dịch.
Diễn đàn VBF 2018 do Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức sáng 4/12 tại Hà Nội. |
Nhóm công tác cũng kiến nghị Dự thảo Luật Chứng khoán cần quy định cơ sở pháp lí, giải pháp và lộ trình cho việc xóa bỏ yêu cầu nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán trước khi đặt lệnh giao dịch, đồng thời vẫn duy trì an toàn giao dịch cho thị trường.
Vấn đề sở hữu nước ngoài, Trưởng nhóm công tác thị trường vốn - ông Dominic Scriven cũng cho biết, quy định hiện hành về tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong công ty đại chúng là tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp có quyền biểu quyết của tất cả nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% trở lên. 49% đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài. 100%, trừ khi Điều ước quốc tế hoặc pháp luật chuyên ngành hoặc Điều lệ công ty có hạn chế.
Bất cập được chỉ ra là Luật Chứng khoán điều chỉnh về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các công ty đại chúng, nhưng Luật Đầu tư lại điều chỉnh địa vị pháp lý của các công ty này khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài đạt từ 51% trở lên. Hệ quả của việc Luật Đầu tư điều chỉnh địa vị pháp lý là địa vị pháp lý của các công ty đại chúng có thể thay đổi hàng ngày khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài xuống thấp, hoặc vượt quá 51%.
“Điều này đồng nghĩa với việc một công ty đại chúng hôm trước được coi là nhà đầu tư trong nước (khi sở hữu nước ngoài dưới 51%) thì ngay ngày hôm sau đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài (khi sở hữu nước ngoài tăng trên 51%), và ngược lạI”, ông Dominic Scriven phân tích.
Do đó, Nhóm công tác có bốn khuyến nghị, Luật chứng khoán mới cần công bố bản dự thảo để các thành viên thị trường cho ý kiến, đóng góp.
"Luật Chứng khoán mới cần khẳng định đây là luật chính điều tiết các công ty niêm yết, và cần sửa luật để giải quyết một số quy định mâu thuẫn giữa Luật Chứng khoán và Luật Đầu tư, như cơ chế room cho nhà đầu tư nước ngoài, cũng như xác định rõ quyền hạn điều tra vi phạm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước", ông Dominic Scriven nhấn mạnh.
Phản hồi về đề xuất của Nhóm công tác thị trường vốn, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - ghi nhận những đóng góp của nhóm Công tác. Ông Sơn cho biết, Luật Chứng khoán sửa đổi hiện đang được lấy ý kiến với nhiều buổi làm việc và giải trình.
"Hiện chúng ta đang ở mức thị trường cận biên để nâng hạng thị trường mới nổi. Theo đó, mức định lượng của thị trường chứng khoán Việt Nam liên quan tới quy mô thị trường, quy mô doanh nghiệp và tính minh bạch đã được đảm bảo thực hiện tốt. Hiện chỉ còn một số vấn đề liên quan định tính của các nhà đầu tư. Chúng tôi đã làm việc với các tổ chức, cơ quan quốc tế để tìm hướng", ông Sơn nêu rõ./.Ai là cậu ấm, cô chiêu thế hệ “F1” giàu nhất sàn chứng khoán Việt?
Thống đốc NHNN: Kiểm soát chặt chất lượng tín dụng vào chứng khoán
Những phụ nữ sở hữu hàng nghìn tỷ trên sàn chứng khoán Việt Nam
Top 10 doanh nhân tỷ phú trên sàn chứng khoán Việt Nam