Ông Nguyễn Hữu Phước được xem là người khởi xướng cho phong trào trồng thanh long làm giàu ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Hơn 10 năm trước, ông Phước rời vùng quê cây ăn trái Châu Thành (Tiền Giang) đến U Minh Hạ lập nghiệp. Đồng đất này từng được ví là “đất chết” vì nhiễm phèn mặn quanh năm, sản xuất lúa không hiệu quả. Mấy năm đầu, ông Phước chỉ trồng vài bụi thanh long vừa để cho mấy đứa nhỏ có trái ăn, vừa để đỡ nhớ quê nhà. Thấy thanh long lớn tốt ngay trên vùng đất phèn, trái ăn ngọt không kém nơi khác, từ đó ông Phước quyết định làm giàu bằng nghề trồng thanh long.

Cuối năm 2012, ông rủ người em ruột là Nguyễn Thanh Hùng từ Tiền Giang xuống U Minh Hạ mở rộng quy mô trồng thanh long trên diện tích hơn 5ha đất của gia đình.

Hai anh em ông Phước ra sức khai phá vùng đất trũng, nhiễm phèn nặng để xây dựng hệ thống tiêu thoát nước trồng 5.000 bụi thanh long, trong đó có 3.000 bụi thanh long ruột đỏ. “Cực nhất là khâu xây dựng hàng nghìn trụ bê tông làm giá thể cho thanh long”, ông Phước nói. Ước tính, hai anh em ông Phước đã đầu tư vào đây hơn một tỷ đồng. Ngoài số vốn tự có, ông phải vay mượn thêm của bà con, họ hàng.

Trang trại thanh long của anh em ông Phước ban đầu chỉ cho khoảng 200 kg trái vào năm 2013 do cây chưa đủ sức. Thấy vậy, ông Phước trồng xen đu đủ trên diện tích trồng thanh long. Chính nhờ cách làm này, cuối năm tổng thu nhập của hai anh em ông được gần 500 triệu đồng.

Thanh-Long-CM-2-final-2710-1422263031.jp

Vườn thanh long hơn 5.000 gốc của ông Phước đã thu về tiền tỷ.

Bước sang vụ trồng năm 2014, nhận thấy cây thanh long đã cứng cáp, ông Phước quyết định đốn hạ đu đủ để nhường ánh sáng cho thanh long phát triển. Kết quả là tính đến nay, trang trại thanh long của ông đã bắt đầu thu về tiền tỷ.

Ông Phước cho biết, hiện nay thanh long ruột đỏ có giá từ 20.000 đến 25.000 đồng một kg; thanh long ruột trắng trên 10.000 đồng. Cá biệt, có đợt thanh long ruột đỏ của trang trại ông bán được cho vựa xuất khẩu với giá 38.000 đồng một kg, ruột trắng hơn 20.000 đồng. Do chất lượng khá tốt, phần lớn thanh long nơi đây được thương lái ở TP HCM ký hợp đồng bao tiêu.

Ông tính toán, trang trại thanh long của ông sẽ sai trái và năng suất cao từ năm thứ 3 đến năm thứ 7, mỗi gốc trung bình cho 40-50 kg trái một năm.

Nói về kế hoạch sắp tới, ông Phước chia sẻ: “Chúng tôi dự kiến đầu tư luôn hệ thống xông đèn, cộng với chế độ chăm sóc hợp lý sẽ kích thích hai loại thanh long đang trồng cho trái cả mùa thuận lẫn mùa nghịch”.

Ông Đỗ Văn Sơ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau cho biết, trang trại chuyên canh thanh long quy mô lớn của ông Phước là mô hình đầu tiên ở Cà Mau, thu về lợi nhuận cao, đồng thời đang giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương../