Diện tích thanh long bị thiệt hại chủ yếu tập trung ở các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình.

thanh_long_3_tidm.jpg 2/3 trong 6 tấn thanh long mới cắt của gia đình ông Chinh không thể bán được

Gia đình ông Nguyễn Văn Chinh, ở xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam có 2.000 trụ thanh long cho thu hoạch. Đây là thời điểm thu hoạch lứa quả đầu tiên của vụ thanh long chính, tức là vụ ra quả tự nhiên. Dịch bệnh rơi vào vào lứa quả tập trung nhất, do đó sản lượng thu hoạch bị ảnh hưởng nặng. Hôm 13/8, vườn của ông cắt được khoảng 6 tấn thanh long. Nhưng trong đó có đến 2/3 sản lượng thu hoạch không thể bán được. Trái bị nhiễm bệnh bị vứt bỏ nằm la liệt trong vườn.

Ông Nguyễn Văn Chinh nói: "Tổng sản lượng thanh long của tôi ước được khoảng 6 tấn, nhưng chỉ lựa được 2 tấn thôi. Còn lại 4 tấn bị nấm trắng và nấm đồng tiền phải bỏ. Một lứa bán như vậy chỉ đủ chi phí tiền thuốc".

 
Các nhà vườn trồng thanh long cho biết bệnh đốm trắng, còn gọi là nấm tắc kè và bệnh thán thư, còn gọi là nấm đồng tiền hiện rất khó trị. Nhiều người đã chủ động phun xịt thuốc bảo vệ thực vật từ đầu mùa, nhưng vẫn không mang lại hiệu quả.

"Nấm đốm trắng không có thuốc đặc trị. Chỉ có thuốc ngừa, phải xịt thuốc từ lúc trái còn nhỏ".

Anh Nguyễn Văn Hiệp – nông dân xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam cho biết: "Nấm đốm trắng không có thuốc đặc trị. Chỉ có thuốc ngừa, phải xịt thuốc từ lúc trái còn nhỏ".

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận: thán thư không phải là bệnh mới và  xuất hiện từ lâu trên vùng chuyên canh thanh long Bình Thuận.

Nguyên nhân làm cho hàng loạt vườn thanh long bị nhiễm 2 loại bệnh nói trên là do đầu tháng 7 vừa qua, ở Bình Thuận có mưa nhiều và liên tục đã tạo môi trường thuận lợi để bệnh phát sinh.

Người dân đã dùng thuốc để trị bệnh nhưng vẫn không có hiệu quả, vì phun xịt xong thì lại gặp mưa liên tục. Và một nguyên nhân khác nữa là do lâu nay nông dân đã không thực hiện đúng quy trình chăm sóc thanh long. 

Nguồn thanh long bị nhiễm bệnh cần được chôn lấp cẩn thận. Không nên đổ trái hỏng ra những nơi công cộng càng làm bệnh lây lan mạnh
Lẽ ra chừng nào trị xong bệnh thì mới phun xịt phân bón lá, chất kích thích, chất tăng trưởng nhưng người trồng thanh long lại thường trộn chung các loại thuốc vào cùng một bình để xịt, điều này lại càng gây thêm bệnh cho cây thanh long. Vừa qua có tình trạng các chủ vựa thu mua và một số hộ dân mang thanh long nhiễm bệnh ra đổ ven đường làm mất vệ sinh môi trường và nguy cơ lây lan mầm bệnh ra những khu vực khác.

Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận Trần Minh Tiến

Ông Trần Minh Tiến - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Thuận nói:"Bệnh thán thư và nấm đốm trắng lây lan qua nước mưa và những vật dụng khác. Do đó, đổ trái hỏng ra những nơi công cộng càng lây lan mạnh. Trong mùa mưa này, nông dân không nên để cành non. Nếu để cành non là bị bệnh đốm trắng ngay".

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp Bình Thuận: các chủ vườn cần tranh thủ những ngày nắng như thời điểm hiện tại để phòng trừ bệnh hiệu quả. Nguồn thanh long bị nhiễm bệnh cần được chôn lấp cẩn thận, khi phát hiện có dấu hiệu bệnh, chủ vườn cần thu gom cành quả, rắc vôi khử trùng để hạn chế bệnh lây lan./.