Cả tháng 3 vừa qua, Cầu phao Km 3+4 Hải Yên, thành phố Móng Cái tấp nập các xe vận tải lớn chở hàng hóa từ các vựa nông sản, thủy sản của cả nước về đây thông thương hàng hóa qua biên giới. Tại quầy làm thủ tục xuất nhập cảnh, các nhân viên biên phòng, hải quan làm việc từ 7 giờ sáng mới có thể giải quyết các thủ tục để đưa hàng xuất khẩu qua biên giới.
Anh Lễ Hữu Dũng, nhân viên xuất nhập khẩu, Công ty cổ phần Than quốc tế cho biết, do nhu cầu tiêu thụ của các đối tác Trung Quốc tăng mạnh nên các cư dân biên giới và doanh nghiệp cũng nhanh chóng tìm các nguồn hàng chủ yếu hải sản, thanh long và có thêm mặt hàng mới là mít để xuất khẩu. Đây là các mặt hàng gặp nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
“Về thủ tục, chúng tôi không thấy khó khăn gì cả. Từ khi mở thêm các bãi mới là lượng hàng qua cửa khẩu này tăng. Trước đây, lượng xe qua khu vực này chỉ khoảng 70-80 xe một ngày. Giờ đây, thường xuyên 100 đến 110 xe, có ngày cao điểm lên tới 160 xe. Tùy thuộc phía bên bạn thủ tục thông quan nhanh hay chậm”, anh Lễ Hữu Dũng nói.
Để xuất hàng hóa qua lối mở, các lái xe và phương tiện phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về công tác chống dịch Covid-19 như mặc quần áo bảo hộ, phun khử khuẩn thùng xe. Bên cạnh đó, ưu tiên hàng đầu là nguồn gốc hàng hóa phải đạt các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm, xuất xứ.
“Việc kiểm soát chất lượng hàng hóa rất là quan trọng. Bởi chỉ 1 lô hàng không đảm bảo bên phía Trung Quốc sẽ trả về và ảnh hưởng tới những lô hàng phía sau, nên chúng tôi cũng yêu cầu các vựa trái cây cần có nguồn gốc, tem mác, đóng gói. Nếu không vụ sau sẽ không thể tiêu thụ được”, chị Trần Thị Huyền, cư dân biên giới xã Hải Yên đã có gần chục năm buôn bán ở đây cho hay.
Theo báo cáo của Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái, trong tháng 3/2021 lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua cửa khẩu Bắc Luân II và Cầu phao Km 3+4 Hải Yên là hơn 8.500 phương tiện với khoảng gần 500.000 tấn hàng hóa. Trong đó, lượng hàng hóa qua khu vực cầu phao Km 3+4 Hải Yên tăng gấp 3 so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là bột sắn, thủy sản, hạt khô, thanh long...
Ông Ngô Quang Vinh, Đội trưởng đội kiểm tra, giám sát Hải quan số 2, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Móng Cái cho biết, Chi cục đã áp dụng công nghệ thông tin góp phần cải thiện rõ rệt năng lực thông quan hàng hóa: “Về cơ bản, các thủ tục chúng tôi đã công khai trên các phương tiện và hướng dẫn các quy định kê khai hàng hóa trên mạng. Ban đầu, người dân chưa quen nhưng dần đã tiếp cận và khai trước hoặc khai từ xa nên mỗi tờ khai chúng tôi chỉ làm từ 2-3 phút. Đối với luồng xanh và luồng vàng thì chỉ cần xuất trình hàng hóa và tờ khai. Mỗi ngày chúng tôi làm thủ tục cho khoảng hơn 100 xe qua cầu phao tạm Hải Yên”.
Việc tăng mạnh lượng hàng hóa thông thương qua các cửa khẩu, lối mở hàng hóa tại Móng Cái cho thấy những định hướng đầu tư tại vùng đất địa đầu đang từng bước phát huy hiệu quả. Từ 2018, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ cho Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái như đường dẫn và cầu Bắc Luân 2; cảng cạn ICD Thành Đạt và Cầu phao Km 3+4 Hải Yên... Sự đầu tư có trọng tâm, trọng điểm này đã tạo đà phát triển cho Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
Năm 2020 là năm đầu tiên đạt 1 triệu tấn hàng hóa XNK qua địa bàn Thành phố với tổng kim ngạch XNK đạt gần 9 tỷ USD, trong đó hàng hóa kê khai và thông quan qua cửa khẩu Móng Cái là gần 3 tỷ USD. Đặc biệt, trong tháng 3 năm nay đã có gần 50 doanh nghiệp và cư dân biên giới mới tới các cửa khẩu, lối mở của thành phố Móng Cái để thực hiện các giao dịch, xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc.
“Chúng tôi thường xuyên trao đổi, hội đàm với thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kéo dài thời gian thông quan và tiếp tục kiến nghị bên nước bạn đưa thêm 1 số mặt hàng, danh mục nông sản, thủy sản để bổ sung vào những danh mục hàng hóa được xuất khẩu sang Trung Quốc để tạo điều kiện thuận lợi các doanh nghiệp và hỗ trợ người dân trên địa bàn thành phố Móng Cái (Quảng Ninh- Việt Nam) và cả nước hỗ trợ sản xuất ra”, ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Móng Cái cho biết.
Dù đã có những tăng trưởng về hoạt động XNK đầu năm khi nhiều ngành nghề khác còn đang gặp khó khăn do Covid-19, đây vẫn là con số khiêm tốn khi thành phố Móng Cái nằm sát thị trường tiêu thụ nông sản lớn như Trung Quốc. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Móng Cái đến năm 2040. Đây sẽ là nền tảng cơ bản để Quảng Ninh kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược vào khai thác tiềm năng khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Móng Cái xứng tầm, trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa xây dựng phòng tuyến vững chắc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia./.