Sáng 27/12, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức lễ khánh thành Nhà máy Điện Cà Mau 1, 2 và Đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

Nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 và đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau thuộc tổ hợp dự án cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau là một trong những công trình trọng điểm quốc gia về dầu khí do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao làm chủ đầu tư.

Ông Phạm Văn Định, Phó Tổng giám đốc Petrovietnam kiêm Trưởng ban Quản lý Dự án cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau cho biết, cùng với việc đưa các Nhà máy Điện Nhơn Trạch 1, Cà Mau 1 và 2 vào vận hành, trong các tháng mùa khô năm 2008, các nhà máy Điện của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam tại Cà Mau và Đồng Nai có thể cung cấp cho nền kinh tế quốc dân trên 10 tỷ kWh điện/năm, chiếm 15% tổng sản lượng điện toàn quốc.

Tổ hợp dự án trọng điểm Quốc gia Khí - Điện - Đạm Cà Mau được xây dựng tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau, trên một diện tích hơn 200 ha, bao gồm các dự án: đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau; các nhà máy Điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2; nhà máy Đạm Cà Mau (đang được triển khai xây dựng) cùng các công trình công nghiệp quan trọng khác của địa phương như: cơ sở hạ tầng phụ trợ và khu dân sinh phục vụ tái định cư và khu đô thị mới cho cán bộ nhân viên trong khu công nghiệp.

Nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 (tổng mức đầu tư trên 860 triệu USD) có tổng công suất 1500MW do Tổng công ty Lắp máy Việt Nam làm tổng thầu EPC và nhà thầu Siemens (Đức) cung cấp thiết bị nhà máy chính, sử dụng công nghệ tua-bin khí chu trình hỗn hợp thế hệ mới có khả năng cung cấp trên 9 tỷ KWh điện/năm, sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên khai thác từ khu vực chồng lấn giữa Việt Nam và Malaysia qua hệ thống đường ống PM3-Cà Mau.

Hệ thống đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau - đường ống dẫn khí lần đầu tiên được nhà thầu Việt Nam là Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô làm tổng thầu EPC - dài trên 300km với công suất vận chuyển hơn 2 tỷ m3 khí/năm, tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD.

Bắt đầu được triển khai từ năm 2005, đến nay các dự án nói trên đã hoàn thành. Việc đưa các công trình này vào vận hành thương mại trong mùa khô 2007/2008 đã góp phần hạn chế những thiếu hụt về điện của cả nước trong năm 2008, góp phần vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời góp phần giải quyết các vấn đề về kinh tế xã hội cho khu vực miền Tây Nam bộ, đặc biệt là tỉnh Cà Mau.

Ngày 25/12/2008, Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đã họp tại Nhà máy Điện Cà Mau để nghiệm thu xác nhận chất lượng công trình xây dựng đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau và Nhà máy điện Cà Mau 1 & 2. Hội đồng kết luận cho phép đưa vào vận hành các công trình trên và tiến hành hoàn thành các thủ tục cần thiết.

Theo kết luận của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước, Chủ đầu tư đã tuân thủ quy định quản lý chất lượng công trình xây dựng, chất lượng phù hợp với yêu cầu thiết kế và chấp thuận đề nghị của Hội đồng nghiệm thu cơ sở về kết quả nghiệm thu đối với công trình đường ống PM3-Cà Mau và Nhà máy điện Cà Mau 1 & 2.

Trong quá trình triển khai xây dựng dự án cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng đã tích cực tham gia vào các chương trình an sinh xã hội của tỉnh Cà Mau cũng như các dự án hỗ trợ tỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng với tổng số tiền khoảng 600 tỷ đồng.

Đó là các dự án đường từ thành phố Cà Mau đến khu công nghiệp Khí-Điện-Đạm Cà Mau với tổng chiều dài 14,25km (hơn 444 tỷ đồng); Đường vào xã anh hùng Hồ Thị Kỷ (gần 30 tỷ đồng); Khu tái định canh định cư Khánh An (gần 100 tỷ đồng); Trường THPT Đất Mũi (trên 13 tỷ đồng); Trường THPT Khánh An (13 tỷ đồng); Trường tiểu học ấp Bào Nhàn (2,1 tỷ đồng); Xây dựng 45 căn nhà tình nghĩa và 95 căn nhà tình thương (2,3 tỷ đồng); Đang tiếp tục hỗ trợ xây dựng 48 căn nhà cho các hộ chính sách trong dự án và 52 căn nhà cho các hộ chính sách ngoài dự án, 70 căn nhà đại đoàn kết (4,1 tỷ đồng)…

Cũng tại Lễ khánh thành, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phát động chương trình “An sinh xã hội năm 2009”, theo đó trong năm 2009 Petrovietnam sẽ huy động nguồn kinh phí là 205 tỷ đồng từ các đơn vị và toàn thể CBCNV trong Tập đoàn để cùng với Chính phủ thực hiện công tác an sinh xã hội, trong đó Tập đoàn cam kết dùng 100 tỷ đồng để xây dựng nhà Đại đoàn kết như đã đăng ký với Chính phủ và UBTWMTTQVN.

Việc làm này của Petrovietnam là tiếp tục thể hiện trách nhiệm cộng đồng, lòng tương thân tương ái, chung vai góp sức cùng Chính phủ thực hiện chương trình an sinh xã hội và phát triển kinh tế; tiếp tục tham gia các chương trình xây dựng nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, ủng hộ kịp thời nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả khi thiên tai xảy ra; tham gia và hưởng ứng tích cực công tác “đền ơn, đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”; hỗ trợ y tế, giáo dục và các công tác từ thiện, nhân đạo khác.

** Dự án đường ống dẫn khí PM3 - Cà Mau

·        Tóm tắt dự án

- Công suất thiết kế: 2 tỷ m3 khí/năm, nhận khí từ giàn BR-B mỏ PM3 đến tỉnh Cà Mau. Tổng chiều dài đường ống là 325km, đường kính ống 18 inch, bao gồm 298km đường ống dưới biển và 27km đường ống trên bờ.

- Các hộ tiêu thụ chính là nhà máy điện công suất 750 MW và nhà máy đạm công suất 800.000 tấn/năm. Điều chỉnh theo hướng cung cấp khí cho 2 nhà máy điện và dự phòng khả năng cấp khí cho nhà máy đạm (để đầu chờ sau này kết nối với nhà máy đạm) tại công văn số 5699/VPCP-DK ngày 5/9/2005 của Văn phòng Chính phủ.

- Chủ đầu tư: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

- Tổng thầu EPC: Xí nghiệp liên doanh VietsovPetro

- Nhà thầu EPC phần trên giàn BR-B: Talisman Malaysia Limited

- Tư vấn quản lý dự án (PMC): Pegasus International Limited (Vương quốc Anh)

- Tư vấn cấp chứng chỉ công trình (CA): Det Norske Veritas Pte Ltd (Singapore)

- Ngày 15/9/2005, ký kết Hợp đồng EPC (Thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, xây lắp, vận hành và bảo dưỡng phần thượng tầng trên giàn BR-B) với Talisman Malaysia Limited

- Ngày 17/10/2005, ký kết Hợp đồng Tổng thầu EPC với Xí nghiệp Liên doanh VIETSOVPETRO

·        Kết quả thực hiện:

Giai đoạn 1: Cung cấp khí cho nhà máy điện Cà Mau 1:

Đã hoàn thành lắp đặt toàn bộ tuyến ống, trạm phân phối khí, trạm tiếp bờ và trạm van ngắt. Ngày 02/5/2007, khí đã được đưa vào bờ đến trạm phân phối khí và cung cấp khí cho vận hành nhà máy điện Cà Mau 1. 

Ngày 10/5/2007, Ban QLDA đã bàn giao công trình đường ống PM3-Cà Mau (giai đoạn 1) cho PVGas vận hành ổn định cung cấp đủ nhiên liệu khí để phát điện thương mại cho nhà máy điện Cà Mau 1.

Giai đoạn 2 – Ngày 10/01/2008, hoàn thành công tác lắp đặt giai đoạn 2 và cung cấp khí cho nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2.

Công tác vận hành sản xuất: Công ty khí Cà Mau nhận từ mỏ Talisman từ khi vận hành đến 24/12/2008 là 793 triệu m3 khí đủ cung cấp cho vận hành thương mại nhà máy điện Cà Mau 1 và chạy thử nhà máy điện Cà Mau 2.

** Dự án Nhà máy điện Cà Mau 1

·        Tóm tắt dự án:

- Công suất thiết kế:  750 MW

- Công nghệ và thiết bị: Áp dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, cấu hình 2 tua bin khí + 2 lò thu hồi nhiệt + tua bin hơi. Phương pháp làm mát tuần hoàn khép kín

- Diện tích sử dụng đất: 20,44 ha

- Chủ đầu tư: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

- Tổng thầu EPC: Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA)

- Nhà thầu cung cấp thiết bị chính (Tuabin, máy phát điện): SIEMENS (Đức)

- Tư vấn quản lý dự án, thiết kế và lập dự toán: Liên danh Nhà thầu POYRY (Thụy sĩ) và Công ty tư vấn điện 2 (PECC2)

- Ngày ký hợp đồng EPC: Ngày 11/11/2005

·        Kết quả thực hiện:

- Dự án nhà máy điện Cà Mau 1: Dự án nhà máy điện Cà Mau 1 đã hoàn thành thi công xây lắp và được nghiệm thu đưa vào vận hành thương mại (kết quả thực hiện đáp ứng đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 08/TTg-DK ngày 02/01/2008 và Bộ trưởng Bộ Công thương tại văn bản số 3922/BCT-NLDK ngày 13/12/2007). Các mốc chính bao gồm:

- Từ ngày 25/4/2007, các tổ máy tuabin khí vận hành phát điện thương mại.

- Từ ngày 10/1/2008 nhà máy điện Cà Mau 1 vận hành chu trình hở vào tất cả các thời gian nhà thầu không có nhu cầu sử dụng máy để nghiệm thu chạy thử.

- Từ ngày 20/3/2008, Nhà máy điện Cà Mau 1 đã được bàn giao cho Tổng công ty điện lực dầu khí để quản lý va bắt đầu vận hành thương mại.

- Từ ngày 15/6/2008 đến 04/8/2008, Tổng thầu/Nhà thầu phụ thực hiện tiếp các thử nghiệm còn lại (bao gồm thí nghiệm đo thông số vận hành bảo đảm). 

- Ngày 04/8/2008, Tổng thầu hoàn thành tất cả các thử nghiệm theo quy định và Chủ đầu tư đã tiếp nhận lại chu trình hỗn hợp để vận hành thương mại.

Công tác vận hành: Tính tới ngày 24/12/2008, Tổng sản lượng điện sản xuất đạt hơn 3,2 tỷ KWh góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt điện năng trên toàn quốc, đặc biệt vào mùa khô năm 2007.

** Dự án Nhà máy điện Cà Mau 2

·        Tóm tắt dự án:

- Công suất thiết kế: 750 MW

- Công nghệ và thiết bị: Áp dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, cấu hình 2 tua bin khí + 2 lò thu hồi nhiệt + tua bin hơi. Phương pháp làm mát tuần hoàn khép kín

- Diện tích sử dụng đất: 9,5 ha

- Chủ đầu tư: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

- Tổng thầu EPC: Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA)

- Nhà thầu cung cấp thiết bị chính (Tuabin, máy phát điện): SIEMENS (Đức)

- Tư vấn quản lý dự án, thiết kế và lập dự toán: Liên danh Nhà thầu POYRY (Thụy sĩ) và Công ty tư vấn điện 2 (PECC2)

- Ngày ký hợp đồng EPC: Ngày 14/2/2006

·        Kết quả thực hiện:

- Ngày 24/12/2008 cấp PAC và bàn giao nhà máy cho Tổng công ty Điện lực Dầu khí quản lý và vận hành thương mại.

- Tính tới ngày 24/12/2008, Tổng sản lượng điện phát lên lưới điện trong thời gian chạy thử nghiệm thu đạt 377 triệu KWh.