Là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước ASEAN, Lạng Sơn cũng là điểm đầu tiên của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng (Việt Nam), nằm cạnh tam giác kinh tế trọng điểm của quốc gia Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.

Với nhiều chính sách mở, đầu tư hạ tầng để phát triển kinh tế cửa khẩu giúp Lạng Sơn hút nhiều nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực bất động sản, năm 2019, kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn có những bước tăng trưởng vững chắc, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.

Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, với hệ thống 12 cửa khẩu quốc tế, quốc gia và các cửa khẩu phụ,  kinh tế cửa khẩu chiếm 53% kinh tế của địa phương.

“Đối với kinh tế cửa khẩu, Lạng Sơn đã quy hoạch những hệ thống cửa khẩu kinh tế, trong đó tập trung vào thu hút các doanh nghiệp tham gia vào một số dự án. Lạng Sơn cũng khai thác thế mạnh từ quỹ đất và các dịch vụ tại địa bàn khu kinh tế. Bên cạnh đó, phối hợp với Quảng Tây (Trung Quốc) mở rộng khơi thông lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của các nước ASEAN của các tỉnh trong nội địa cũng như các tỉnh của Trung Quốc, xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, từ đó tăng thu ngân sách cũng như tạo công ăn việc làm cho nhân dân”, ông Trưởng cho biết.

vov_tanthanh2_nuav.jpg
Đấu nối tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc).

Trong năm 2019, Lạng Sơn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình, dự án quan trọng như: Nhà làm việc liên ngành và nhà công vụ cửa khẩu Bình Nghi; triển khai thực hiện các công việc đấu nối đường bộ tại cặp cửa khẩu Pò Nhùng (Việt Nam) - Dầu Ái (Trung Quốc), nâng cấp cặp cửa khẩu song phương Bình Nghi (Việt Nam) - Bình Nhi Quan (Trung Quốc).

Đặc biệt, cuối tháng 12/2019, tuyến đường 4,7km chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh (Việt Nam) - Khả Phong (Trung Quốc) với tổng mức đầu tư hơn 228 tỷ đồng qua khu vực mốc 1088/2 – 1089 đã chính thức đi vào hoạt động. Việc đưa tuyến đường này vào sử dụng đã góp phần thúc đẩy thông thương, giảm ùn ứ trong vận chuyển hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Anh Lương Chí Thanh, lái xe tỉnh Tiền Giang chia sẻ, trước đây, mỗi lần qua lại cửa khẩu Tân Thanh rất mất thời gian và mệt mỏi. Từ khi có tuyến đường mới đã tạo thuận lợi thông thương giúp việc tiêu thụ nông sản dễ dàng hơn.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện các giải pháp cải thiện và nâng cao các chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), cải cách hành chính (PAR INDEX), năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, Lạng Sơn đã hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đơn giản hóa thủ tục thông quan, tạo các cơ chế thúc đẩy thương mại biên giới phát triển.

Bà Hoàng Thị Quyền, Công ty XNK Quốc tế Đức Long tỉnh Bắc Ninh cho biết, nhiều năm doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng hoa quả nông sản qua cửa khẩu Tân Thanh, doanh nghiệp đều được các lực lượng chức năng, biên phòng Hải quan, bến bãi tạo điều kiện để xe được xuất hàng một cách nhanh nhất. “Lực lượng chức năng ở đây phân hàng hóa tốt, mặt hàng hoa quả dễ hỏng của doanh nghiệp sẽ có đường ưu tiên, được xuất trước. Mặt hàng đông lạnh sẽ được chuyển vào bãi để xuất sau”, bà Quyền cho hay.

Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn là một trong những điểm nhấn để đưa Lạng Sơn thành nơi thu hút hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới tốp đầu quốc gia. Đến nay, khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn vẫn đang được đầu tư, phát triển mạnh và từng bước trở thành trung tâm, đầu mối quan trọng kết nối hợp tác kinh tế giữa Lạng Sơn – Quảng Tây nói riêng và giữa hai nước Việt – Trung nói chung.

Cùng với đó, tỉnh Lạng Sơn đã và đang thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nhà đầu tư để kêu gọi đầu tư, trải thảm đỏ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư vào khu kinh tế cửa khẩu.

Cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các DN làm thủ tục thông quan, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ông Phan Hồng Tiến, Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, ngoài những ưu đãi chung để thu hút đầu tư theo quy định của pháp luật, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh tại khu kinh tế cửa khẩu còn được hưởng các ưu đãi đặc thù theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thuế, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, mặt nước, xuất nhập cảnh người và phương tiện.

“UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, rà soát xây dựng chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, trong đó có khu kinh tế cửa khẩu để phát huy mạnh mẽ, so sánh đồng bộ các cửa khẩu trên địa bàn, tạo mối liên kết trong phát triển kinh tế cửa khẩu”, ông Tiến chỉ rõ.

Với các giải pháp đồng bộ, đến nay, hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trong khu kinh tế cửa khẩu Lạng Sơn diễn ra sôi động với trên 5.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu.

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn ước đạt 4.750 triệu USD. Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 3.400 tỷ đồng, tăng 21,4% so với năm 2018.  Điều đó ngày càng khẳng định rõ nét vai trò của kinh tế cửa khẩu trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Lạng Sơn và các địa phương khu vực biên giới./.