Hội nghị nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người nông dân quảng bá sản phẩm, kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, các kênh thương mại điện tử.

Theo thống kê, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 5.300 hecta nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Tính riêng tại huyện Châu Thành, địa phương trồng nhãn nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp có hơn 3.600 hecta.

Dự kiến từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh Đồng Tháp có hơn 1.200 hecta nhãn sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn. Bên cạnh nhãn, Đồng Tháp còn nhiều nông sản cần kết nối, tiêu thụ như khoai lang, xoài, chanh, ổi, quýt, mít, cá tra… Đồng thời, còn có 160 sản phẩm OCOP của địa phương từ 3 sao đến 4 sao đang có nhu cầu kết nối tiêu thụ. Hội nghị đã chứng kiến 3 biên bản ghi nhớ được ký kết, trong đó tỉnh Đồng Tháp có 2 biên bản ghi nhớ hợp tác, tiêu thụ nông sản.

Ông Võ Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp cho biết, trước diễn biến của dịch bệnh, để những sản phẩm đến tay người tiêu dùng, nhất là sản phẩm OCOP của Đồng Tháp thì cần phải đưa lên trên các sàn thương mại điện tử, đây là kênh phân phối hiệu quả trong thời điểm dịch bệnh. Trong giai đoạn tới, để sản phẩm OCOP tiến xa thì phải thay đổi mẫu mã và hướng tới thị trường nước ngoài, nâng cao giá trị sản phẩm của địa phương.

“Đối với tình hình dịch bệnh diễn biến kéo dài, chúng tôi với vai trò của Trung tâm Xúc tiến thì tăng cường bán hàng online, đồng thời, tập trung giới thiệu các sản phẩm của mình trên thương mại điện tử, và doanh nghiệp tăng cường mở trang web của mình để giới thiệu hàng hóa. Thời điểm này, giao dịch trực tiếp rất khó khăn, chính vì thế, chúng ta giao dịch online để hỗ trợ vấn đề này. Bên cạnh đó, cũng phải thay đổi bao bì, mẫu mã sản phẩm để bắt mắt và hấp dẫn hơn. Vừa qua, chúng tôi cũng có chiến lược hỗ trợ cho các doanh nghiệp để thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm trong thời gian tới”, ông Võ Tiến Thành cho biết.

Để giúp nông dân huyện Châu Thành tiêu thụ nhãn trong thời điểm dịch COVID-19, Sở Công Thương Đồng Tháp đã phối hợp với các đơn vị để đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Trong đó, Hợp tác xã Nông sản an toàn An Hoà, huyện Châu Thành sẽ hợp tác cung ứng 8 tấn nhãn lên sàn thương mại điện tử để cung cấp cho khách hàng. Ngoài tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, nhãn Châu Thành còn được kết nối tiêu thụ với các doanh nghiệp, hệ thống Bách hoá xanh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Còn tại tỉnh Sóc Trăng, hiện có 139 sản phẩm OCOP, đạt 3, 4 sao và đa dạng các sản phẩm nông sản, thủy sản. Đối với diện tích nhãn có hơn 3.130 hecta, với nhiều giống nhãn như: nhãn da bò, nhãn xuồng, nhãn Idor, thanh nhãn. Trong đó, nhãn xuồng thu hoạch tập trung trong tháng 7, 8 ước sản lượng khoảng 5.100 tấn, đã tiêu thụ được 3.500 tấn, còn lại 1.600 tấn dự kiến thu hoạch đến giữa tháng 8 dứt điểm. Riêng thanh nhãn thu hoạch tập trung trong tháng 8, 9, ước sản lượng 1.750 tấn đã bắt đầu có thu hoạch rải rác, còn nhãn Idor thu hoạch tập trung trong tháng 10, 11 ước sản lượng 3.800 tấn và nhãn da bò canh tác rải vụ, thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 3 - 2022 ước sản lượng 13.000 tấn. 

Ông Dương Minh Trung, Giám đốc Công ty TNHH Cầm Thiều, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho biết, để sản phẩm tốt, đạt chứng nhận OCOP, công ty đã đầu tư cơ sở vật chất để đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và sản xuất thực phẩm nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, hướng đến các sàn thương mại điện tử và siêu thị để tiếp cận người tiêu dùng trong lúc khó khăn của dịch bệnh COVID-19.

“Hiện tại, sản phẩm đã có mặt ở 3 miền, tập trung chủ yếu của là ở miền Nam, và một số tỉnh miền Trung. Miền Bắc cũng có một số tỉnh có điểm bán hàng. Thời gian sắp tới, sẽ mở rộng hơn nữa các thành phố ở miền Trung và miền Bắc, để có thể giới thiệu nhiều hơn về sản phẩm trà mãng cầu. Sản phẩm trà còn tương đối mới với thị trường, hiện nay, cũng nhiều đơn vị họ làm sản phẩm cho nên mình cần nâng cao cải tiến chất lượng hơn nữa để tiếp cận thị trường tốt hơn”, ông Dương Minh Trung cho biết thêm./.