Nghị quyết bác bỏ chương trình giám sát cá da trơn được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ thông báo ban hành “Quy định cuối cùng” về việc thiết lập chương trình giám sát cá da trơn, gây tác động tiêu cực tới xuất khẩu cá tra và basa của Việt Nam vào Mỹ.

Nghị quyết do Thượng nghị sỹ John McCain và Thượng nghị sỹ Kelly Ayotte đồng bảo trợ đề nghị Quốc hội Mỹ hủy bỏ chương trình giám sát cá da trơn mà hai nhà lập pháp mô tả là sự lãng phí cực lớn tiền thuế của người dân Mỹ và một ví dụ điển hình của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

6_pagd.jpg
Thượng nghị sỹ John McCain

Hai Thượng nghị sỹ nêu rõ, quyết định thành lập chương trình giám sát cá da trơn được đưa ra trong bối cảnh Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ đã và đang thực hiện chức năng giám sát thủy sản, trong khi Văn phòng Kiểm toán hoạt động của chính phủ Mỹ cũng nhiều lần cảnh báo rằng chương trình giám sát trên sẽ gây lãng phí và chồng chéo chức năng, đồng thời khiến các đối tác thương mại tại châu Á-Thái Bình Dương trả đũa nông sản xuất khẩu của Mỹ. Theo ước tính, văn phòng giám sát cá da trơn sẽ tiêu tốn của người dân Mỹ khoảng 15 triệu USD/năm.

Các Thượng nghị sỹ McCain và Ayotte cho rằng mục đích thực sự của chương trình giám sát cá da trơn là dựng lên rào cản thương mại đối với các nhà cung cấp cá da trơn nước ngoài nhằm phục vụ lợi ích của một số người nuôi cá da trơn tại các bang phía Nam nước Mỹ. 

“Quy định cuối cùng” về thiết lập chương trình giám sát cá da trơn được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào ngày 2/12 và sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2016. Một trong những nội dung quan trọng nhất của quy định này là Mỹ sẽ áp dụng quy trình giám sát chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến đối với cá tra và basa của tất các nước xuất khẩu vào Mỹ theo tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn mà Mỹ đang áp dụng. Do thời gian áp dụng quy định mới khá gấp trong khi hệ thống quản lý sản xuất và chế biến của Việt Nam và Mỹ đang có nhiều sự khác biệt nên việc xuất khẩu hai mặt hàng cá tra và basa của Việt Nam vào Mỹ sẽ gặp trở ngại lớn nếu chương trình giám sát cá da trơn không bị Quốc hội Mỹ bác bỏ.  

Theo luật Mỹ, Quốc hội có quyền phủ quyết quy định của cơ quan chính phủ liên bang sau khi quy định này được chính thức công bố và đệ trình lên cơ quan lập pháp tối cao. Nếu trở thành luật, nghị quyết của Thượng nghị sỹ John McCain và Kelly Ayotte sẽ vô hiệu hóa chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ, kể cả những quy định đã được đưa vào thực hiện./.