Các rào cản thương mại mang tính bảo hộ của Mỹ sẽ không những là nguy cơ đối với xuất khẩu thủy sản không chỉ của Việt Nam mà, còn các nước ASEAN khác. Đó là nhận định được đưa ra bên lề cuộc thảo luận bàn tròn về hợp tác nông nghiệp Việt-Mỹ vừa diễn ra tại Washington DC.

Các chuyên gia Việt Nam đã giới thiệu với đại diện các doanh nghiệp Mỹ về cơ hội thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực nông-lâm-thuỷ sản tại Việt Nam, đặc biệt là triển vọng hợp tác trong nuôi trồng thuỷ sản.

Các doanh nghiệp Mỹ đều khẳng định, với cơ cấu nông nghiệp chiếm trên 20% GDP và kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng, dự kiến đạt 30 tỷ USD vào năm 2015, ngành nông nghiệp Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài.

ong%20robert%20dehann%20(1).jpg
Ông Robert DeHann - Phó Chủ tịch NFI.

Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất đối với các hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ chính là các rào cản thương mại, mà điển hình là việc Mỹ áp dụng các loại thuế phi lý như thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.

Nguy cơ lớn nhất đối với xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam vào Mỹ hiện nay là chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Nếu chương trình này được áp dụng, nhiều khả năng xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam vào thị trường này sẽ phải tạm ngừng một thời gian dài để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của Mỹ.

Hơn nữa, chương trình giám sát trên sẽ ảnh hưởng không chỉ tới Việt Nam mà còn nhiều nước xuất khẩu thuỷ sản vào Mỹ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI) - Robert DeHann cho biết, Chương trình giám sát cá da trơn là một ý đồ nhằm tạo ra rào cản thương mại để bảo hộ một vài thành phần nhỏ trong ngành thuỷ sản Mỹ.

“Chúng tôi thực sự lo ngại rằng, nếu được áp dụng trong 1 vài năm tới, chương trình sẽ tạo ra một lệnh cấm thương mại tức thì đối với một số mặt hàng thuỷ sản nhập khẩu từ nhiều nước, đặc biệt là Việt Nam. Chúng tôi đã đề nghị chính phủ Mỹ bãi bỏ chương trình này và biết rằng Việt Nam cũng đã đưa ra yêu cầu như vậy với các cấp có thẩm quyền tại Mỹ. Tôi cho rằng, tất cả các quốc gia ASEAN cần đưa ra các thông điệp tương tự vì nếu thực hiện thành công thì chương trình giám sát cá da trơn chắc chắn sẽ được áp dụng đối với các sản phẩm thủy sản khác cũng như đối với các nước khác", ông Robert DeHann khẳng định.

Theo Luật Nông nghiệp 2014 được Quốc hội Mỹ thông qua đầu năm 2014, Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ thành lập Văn phòng giám sát cá da trơn và áp dụng tiêu chuẩn nuôi trồng và chế biến tương đương tại Mỹ đối với sản phẩm nhập khẩu với lý do đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe cho rằng, chương trình này hầu như sẽ chặn đường vào thị trường Mỹ đối với cá da trơn nhập khẩu từ các nước ASEAN.

“Cho đến bây giờ chưa có quốc gia ASEAN nào có thể đạt được tiêu chuẩn tương đương của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Đây là chương trình hết sức vô lý và mang tính chất bảo hộ lớn”, ông Hòe nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, các rào cản thương mại mà Mỹ tạo ra đang ảnh hưởng tới quan hệ Việt - Mỹ. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục làm việc với phía Mỹ để yêu cầu huỷ bỏ chương trình giám sát cá da trơn nhưng cũng không loại trừ khả năng đưa vấn đề ra các diễn đàn quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

"Đây là giải pháp cuối cùng mà chúng ta phải lường đến. Chúng ta đã nói thẳng với phía Mỹ rằng, Việt Nam không muốn đưa những vấn đề này ra các diễn đàn đa phương nhưng cũng đang tham vấn về khả năng xấu nhất này", ông Tám cho biết.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nêu rõ, cho đến nay vẫn chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh rằng cá da trơn nhập khẩu ảnh hưởng tới sức khoẻ người tiêu dùng Mỹ. Ngoài ra, việc chỉ chuyển chương trình giám sát cá da trơn từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm sang Bộ Nông nghiệp để áp dụng những tiêu chuẩn gần như không tưởng đối với thuỷ sản nhập khẩu đã cho thấy ý đồ áp đặt rào cản thương mại của Mỹ.

Dù được thông qua vào đầu năm 2014 nhưng chương trình giám sát cá da trơn sẽ mất nhiều thời gian mới có thể được áp dụng do Bộ Nông nghiệp Mỹ chỉ có thể đưa ra các tiêu chuẩn và quy tắc thực hiện sớm nhất là vào tháng 12 tới, thay vì thời hạn mà Quốc hội Mỹ đặt ra là đầu tháng 4 vừa qua./.