Ngày 5/4, chẵn 80 ngày liên tiếp tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa USD với VND không đổi. Tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại cũng chỉ có chút gợn tăng.

Đây là một kết quả tốt của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành, giữ được niềm tin đối với giá trị VND, tạo được sự ổn định tâm lý thị trường, tránh được những xáo trộn tiêu cực như từng có trong vài năm trước…

Giá USD của các ngân hàng tuần qua tăng nhẹ 10 đồng so với cuối tuần trước sau khi đã chạm 20.900 đồng/USD.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá bình quân liên ngân hàng tuần qua (từ 2/4 - 7/4) giữ ở 20.828 đồng/USD.

Đây là tuần thứ 14 liên tiếp tỷ giá giữ nguyên ở mức này, khoảng thời gian ổn định dài nhất từ đầu 2011 đến nay.

Tỷ giá niêm yết của các ngân hàng thương mại tuần qua biến động vào những ngày cuối tuần.

Đáng chú ý, giá USD bán ra của Vietcombank sáng 6/4 đã lên 20.900 đồng/USD, tuy nhiên sau đó đã giảm trở lại xuống 20.870 đồng/USD.

Ngày cuối tuần, giá USD Vietcombank niêm yết ở 20.810 - 20.870 đồng/USD (mua vào - bán ra), tăng 10 đồng so với cuối tuần trước.

Đi cùng với sự ổn định, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tự tin tuyên bố trong năm 2012 tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ biến động trong khoảng 2% - 3%. Sự tự tin cần thiết cho thị trường, nó mang tính định hướng chính sách cho nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên một bộ mặt khác của sự ổn định tỷ giá đang được đề cập tới.

Ngày 6/4, VnEconomy đưa việc hai cơ quan chuyên môn cùng đưa ra một số quan ngại ít được đề cập ẩn sau sự ổn định của tỷ giá USD/VND. Đó là góc nhìn của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia. Hai cơ quan này đang có những e ngại về việc tỷ giá ổn định trong một thời gian dài và được neo trong biên độ quá hẹp.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đưa ra khuyến nghị: “Tỷ giá cũng cần được điều hành linh hoạt và không nên “neo” vào một biên độ quá hẹp (ví dụ như tăng không quá 3%) vì điều này sẽ thu hẹp dư địa của chính sách tiền tệ, ảnh hưởng đến xuất khẩu và có thể kích hoạt luồng tiền nóng từ bên ngoài vào Việt Nam để hưởng chênh lệch lãi suất và tận dụng bảo hiểm tỷ giá “miễn phí”.

Ngoài ra, theo Ủy ban Giám sát, việc giữ tỷ giá cố định sẽ làm cho VND bị định giá cao hơn so với các đồng tiền khác, gây ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa và hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai./.