Hôm 25/10, tại Thành phố Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn đã phối hợp  Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực thủy hải sản vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đại diện Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn; đại diện ngành nông nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp sản xuất chế biến thủy sản tại thành phố Cần Thơ tham dự.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, trong thời gian qua ngành thủy sản nước ta có sự phát triển liên tục và đóng góp lớn trong kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Trong 9 tháng qua, sản lượng thủy sản của cả nước tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, sản lượng khai thác hải sản tăng trên 6%, sản lượng nuôi tăng 3%.

 

nuoi%20thuy%20san%20can%20tho.jpg
Nuôi thủy sản ở Cần Thơ (ảnh: canthotv)

Riêng sản lượng nuôi trồng vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 65% tổng sản lượng thủy sản nuôi của cả nước. Tính chung kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ và dự báo có khả năng đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2012 là 6,5 tỷ USD. Trong đó, tôm sú và cá tra là 2 mặt hàng xuất khẩu đạt mức 2 tỷ USD/năm và luôn đứng trong tốp 10 nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới. Trong đó, có vai trò quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, ngành thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long tuy phát triển, nhưng kết quả chưa tương xứng với tiềm năng; tốc độ tăng trưởng chưa bền vững, nuôi trồng thủy sản còn nhiều rủi ro. Các địa phương chưa phát huy hết thế mạnh của mình do tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún và thiếu sự phối hợp giữa các địa phương trong khu vực.

Nhằm khai thác triệt để thế mạnh và tiềm năng của tất cả các địa phương để tạo ra sức mạnh tổng thể để phát triển toàn diện ngành thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long, hội thảo đưa ra ý tưởng hình thành trung tâm chế biến công nghệ cao đặt tại thành phố Cần Thơ nhằm kết nối với các cụm ngành thủy sản chủ lực. Đồng thời xây dựng các chính sách đột phá trong việc thu hút và quản lý đầu tư nước ngoài. Là đơn vị chủ trì  xây dựng dự án  xây dựng Trung tâm nghề cá vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ nói:   “Trung tâm đầu mối là nơi kết nối các tỉnh. Trong các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thì địa phương nào cũng có thế mạnh riêng về thủy sản . Nhưng khi nghiêm cứu chúng tôi nhận ra rằng để phát triển ngành TS nó đòi hỏi nhiều yếu tố từ sản xuất nguyên liệu, chế biến , xuất khẩu, thị trường. Trên cơ sở đó chúng tôi phân tích thấy CT hội đủ  4 điều kiện đó. Như vật  CT  sẽ đóng vai trò chính trong vai trò chính  lôi kéo thúc đẩy thủy sản đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó địa bàn có thể mạnh riêng của từng vùng phải là nơi hỗ trợ để Cần Thơ phát triển  và lagm đúng chức năng là đầu mối của ngành TS toàn vùng”./.