Bong bóng tài sản, lạm phát, biến động tiền tệ và thương mại, thâm hụt tài khóa... là những thách thức, khó khăn mà nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam phải đối mặt. Làm thế nào để có một thể chế tài chính thực sự mạnh là một chủ đề được giới lãnh đạo Việt Nam nêu ra tại Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB.

Hệ thống tài chính còn nhiều lỗ hổng

Theo phân tích của TS.Trần Du Lịch, thị trường tài chính Việt Nam có 3 đặc điểm chính, đó là: rất trẻ, năng động và mất cân đối nhưng có những triển vọng. Trong hệ thống ngân hàng thương mại, khối quốc doanh chiếm 62 % số điểm giao dịch, ngân hàng thương mại cổ phần chiếm 36% và ngân hàng nước ngoài chỉ chiếm 2%. Hệ thống ngân hàng đáp ứng được 97% nhu cầu tín dụng, còn các hệ thống tài chính phi ngân hàng chỉ đáp ứng 3% nhu cầu. Riêng thị trường chứng khoán mới 10 năm tuổi, vốn hóa thị trường mới chiếm 40% GDP.

Tuy nhiên nền kinh tế bộc lộ những yếu kém mang tính cơ cấu. Tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2007 tới 52% trong khi tăng trưởng GDP chỉ 8,4%. Sang năm 2009 tăng tín dụng 37,5% GDP tăng 5,3%. Năm 2010 tăng 31% thì GDP tăng 6,7%. Như vậy, kết quả tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào vốn ngân hàng. Nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng dựa trên tăng nợ chứ không phải vốn, theo nghĩa của từ “equity”. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) có thói quen dùng nợ, vay nợ làm vốn. Tăng nợ thể hiện rõ nhất là dư nợ hiện bằng 1,2 lần GDP trong khi tiết kiệm chỉ chiếm 30% và đầu tư 40% GDP. Nền kinh tế tăng trưởng dựa trên nợ chứa đựng những bất ổn đối với cả các DN và kinh tế nhà nước.

Từ thực tế này, ông Jose Isidro Camacho, Giám đốc điều hành của Ngân hàng đầu tư Credit Suise (Pháp) tại Singapore, Phó chủ tịch phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng: Việt Nam đang đối diện một số câu hỏi khó về chính sách trong cách thức giải quyết một số hậu quả, đặc biệt là cách giải quyết tình trạng lạm phát đang gia tăng và đồng tiền đang chịu áp lực giảm giá.

Còn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu thừa nhận, điểm yếu của hệ thống tài chính Việt Nam là công tác truyền thông còn yếu, do đó, một số ý kiến cho rằng thông tin về hoạt động ngân hàng của Việt Nam chưa được công khai minh bạch. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để đảm bảo thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng bền vững.

Việt Nam đã đi đúng hướng

Theo quan điểm của Credit Suisse, chính sách kinh tế của Việt Nam đang đi đúng hướng. “Chúng tôi tin tưởng rằng sự tập trung hiện nay của chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát và giải quyết các vấn đề về thâm hụt thương mại bằng cách tăng lãi suất và cho phép phá giá đồng nội tệ có thể giúp ổn định kinh tế vĩ mô trong dài hạn” - ông Jose Isidro Camacho nói.

Ông này cũng bày tỏ e ngại rằng, có thể nền kinh tế sẽ chịu một số tổn thương trong ngắn hạn. Thế nhưng, cũng cần làm rõ rằng, những tổn thương đang gia tăng hiện nay không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà đã tác động đến hầu hết các nền kinh tế mới nổi trong suốt quá trình chuyển đổi nền kinh tế của họ, trong đó, nhiều nước đã được đánh giá như những câu chuyện thành công.

Còn ông Brett Krause, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Citibank (Mỹ) tại Việt Nam nhìn nhận rằng Việt Nam đã vượt qua những trở ngại lớn trong thập kỷ qua để xây dựng khung pháp lý và quy định cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, hệ thống tài chính này vẫn cần tiếp tục được cải thiện, nâng cấp để đảm bảo rằng lĩnh vực ngân hàng có vai trò là một động cơ tăng trưởng an toàn cho nền kinh tế.

Ông Camacho còn chỉ ra những triển vọng đầu tư trung và dài hạn của Việt Nam. Đó là, có dân số và lực lượng lao động trẻ với trình độ giáo dục cao, chính trị ổn định, nguồn tài nguyên dồi dào phong phú và vị thế địa lý thuận lợi gần gũi Trung Quốc. Đáng chú ý, đất nước này đã từng thành công trong việc chuyển đổi từ nền kinh tế mệnh lệnh sang nền kinh tế thị trường, một động lực khác đang thúc đẩy nền kinh tế tăng cường hiện đại hóa và chuyển đổi cấu trúc kinh tế, thêm vào đó, mức độ đô thị hóa đang diễn ra khá mạnh mẽ.

Và sẽ phải làm gì?

Đề cải thiện thị trường tài chính Việt Nam, ông Brett Krause đề xuất cần xây dựng “người chơi” mạnh và sân chơi mạnh dựa trên năng lực quản trị cứng cỏi của các ngân hàng và “người gác cổng- ngân hàng trung ương” có quyền lực hơn trong một khuôn khỏ pháp lý chặt chẽ.

Đối với việc xây dựng sân chơi tốt, ông Brett đưa ra một đề xuất đáng chú ý là phát triển các thị trường vốn để huy động tiết kiệm cao hơn khi nguồn tiền tiết kiệm lớn hiện nay đang được “chôn” trong vàng và bất động sản. Cụ thể, xây dựng các thị trường trái phiếu hoạt động hiệu quả thông qua việc phát hành định kỳ trái phiếu quốc gia và trái phiếu của những DN Nhà nước lớn và khuyến khích việc hình thành và hoạt động của các công ty định mức tín nhiệm. Đồng thời, “Chính phủ Việt Nam cũng cần chú ý xây dựng các thị trường vốn lớn hơn thông qua việc khuyến khích niêm yết của các DN lớn và các DN nhà nước tại Việt Nam”, ông Brett nói.

Trong những nền kinh tế mới nổi khác, sự phát triển của khu vực tư nhân là chìa khóa cho sức mạnh, sức tăng trưởng, độ bền, tính linh hoạt, năng động của nề kinh tế. “Tiếp tục phát triển khu vực tư nhân chắc chắn là thách thức lớn nhất nhưng cũng là cơ hội lớn nhất trong Việt Nam trong những năm trước mắt. Trong khi khu vực sở hữu nhà nước đã và tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế của chính phủ, chúng tôi nghĩ rằng một khu vực tư nhân mạnh hơn, lớn hơn sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài đầy đủ và đóng vai trò là nguồn lực to lớn cho cả nền kinh tế” - ông Jose Isidro Camacho khẳng định.

Còn theo quan điểm của TS Trần Du Lịch thì: “Chúng ta phải cấu trúc lại thị trường tài chính với bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam thiếu cân đối giữa vốn ngắn han và dài hạn, giữa thị trường vốn và tiền tệ, giữa định chế tài chính tín dụng ngân hàng và phi ngân hàng. Tất cả những sự mất cân đối này cần phải tái cấu trúc để thị trường tài chính Việt Nam thực sự phát triển bền vững”.

Ở một cấp độ khu vực và quốc tế, Chủ tịch ADB H. Kuroda cho rằng, những cải cách tài chính và tiền tệ là cần thiết, vì nó sẽ trợ giúp khu vực châu Á đạt được tăng trưởng mạnh và toàn diện cho tất cả mọi người. Chúng ta phải thu xếp hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay – hệ thống đã thất bại trong việc giải quyết những vấn đề như các nguồn vốn lớn và không ổn định, áp lực tỉ giá quá cao, và sự chia rẽ trong việc cung cấp khả năng thanh toán bằng tiền mặt toàn cầu hiệu quả đúng thời hạn khi thị trường đang gặp khó khăn./.