Trong năm nay, “Gói hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phối hợp với Bộ Các Vấn Đề Toàn Cầu Canada (GAC) và Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) sẽ hỗ trợ 30 doanh nghiệp tạo tác động xã hội thuộc lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp do phụ nữ và các nhóm yếu thế làm chủ. Mỗi doanh nghiệp sẽ được huấn luyện chuyên biệt trong 6 tháng và vốn hạt giống 100 triệu đồng để xây dựng và thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới.
Ông Lê Mạnh Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, gói hỗ trợ này sẽ góp phần giúp các doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) tháo gỡ những nút thắt, khó khăn thông qua những hành động cụ thể.
“Chúng tôi rất hy vọng là các doanh nghiệp mà đúng đối tượng của chương trình, dự án này tham gia đăng ký và tích cực hưởng ứng dự án để có sự lan tỏa. Hiện nay trong gói này mới có 30 doanh nghiệp sẽ được nhận hỗ trợ, nhưng 30 doanh nghiệp này, tôi kỳ vọng sẽ có sự lan tỏa và tác động nhất định đến với cộng đồng các doanh nghiệp khác, đặc biệt là các nhóm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư bảo trợ có thể trở thành đối tượng áp dụng chương trình” - ông Lê Mạnh Hùng nói.
Sau đại dịch COVID 19, có thể thấy những thay đổi về môi trường kinh doanh, thói quen sinh hoạt, thay đổi về xã hội, do đó việc trang bị thêm kiến thức, kỹ năng mềm cho nguồn nhân lực đội ngũ công nhân viên trong từng doanh nghiệp và hợp tác xã là cần thiết, để doanh nghiệp duy trì được tính bền bỉ. Nghiên cứu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) vào tháng 8 năm ngoái cho thấy, doanh thu của các doanh nghiệp hộ gia đình và doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ giảm mạnh, buộc họ phải cắt giảm hoạt động và sa thải công nhân.
Doanh nghiệp du lịch, nhà hàng, khách sạn và vận tải hành khách là những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tác động này càng trầm trọng hơn đối với các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ. Do vậy, gói hỗ trợ này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tạo tác động xã hội: xác định những thách thức chính tạo ra bởi COVID-19; thiết kế và chuyển đổi mô hình kinh doanh hoặc phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới để thích ứng, xây dựng và thử nghiệm các mô hình kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ mới.
Bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện Thường trú, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết: “Các nghiên cứu đánh giá cơ bản cho thấy, gần 47% doanh nghiệp tạo tác động xã hội được phỏng vấn bị giảm doanh thu do tác động của COVID-19. Doanh nghiệp có tỷ lệ giảm doanh thu cao nhất thuộc về nhóm sử dụng lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và hợp tác xã. Chúng tôi hy vọng rằng gói hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19 sẽ kịp thời cung cấp những hỗ trợ kỹ thuật và nguồn tài chính cần thiết để các SIB hiện thực hóa các ý tưởng đổi mới nhằm giải quyết các thách thức trong kinh doanh và mang lại lợi ích cho các nhóm dễ bị tổn thương”.
Chương trình không có giới hạn về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp hoặc vị trí địa lý miễn là các doanh nghiệp hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương và các mô hình kinh doanh được đề xuất và các sản phẩm, dịch vụ mới đủ sáng tạo, bền vững, có khả năng mở rộng và phù hợp để thích ứng với những thách thức của COVID-19.
Ông Brian Allemekinders, Trưởng ban hợp tác phát triển, Đại sứ quán Canada tại Việt Nam cho rằng: “Bất chấp những thách thức mà các doanh nghiệp này đang phải đối mặt, chúng tôi tin rằng họ có nhiều phẩm chất để đạt tới thành công như đam mê, cam kết, tinh thần trách nhiệm và sáng tạo. Với sự hỗ trợ của gói hỗ trợ doanh nghiệp tạo tác động xã hội ứng phó với COVID-19, họ sẽ có thêm sức mạnh ý chí để thay đổi cuộc sống của các nhóm dễ bị tổn thương cũng như xã hội Việt Nam”.
Với gói hỗ trợ này, doanh nghiệp tạo tác động xã hội sẽ nỗ lực phục hồi sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh sáng tạo và cam kết tạo tác động tích cực cho xã hội và môi trường là hai yếu tố trọng tâm trong chiến lược hoạt động của họ sau đại dịch. Cân bằng các mục tiêu xã hội, môi trường với mô hình thương mại cho phép họ giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững./.