Các tỉnh Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng đã vào mùa mưa. Tuy nhiên ở xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa có mưa, công trình thủy lợi cạn kiệt khiến gần 2.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và trên 1.400 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Rẫy cà phê rộng hơn 1 ha đang trong thời kỳ kinh doanh của gia đình ông Hứa Văn Quân, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ đang phải đối mặt với khô hạn nặng. Cà phê đang giai đoạn nuôi quả lớn đáng nhẽ phải xanh tươi nhưng cành lá lại héo rũ, quả non khô quắt rơi rụng. Ông Hứa Văn Quân cho biết, nếu trong vài ba ngày tới mà trời không xuất hiện mưa, vườn cây không được tưới nước, thì nguy mất trắng là điều khó tránh khỏi.
“Thời điểm này như các năm trước không bị hạn trái cà phê to hơn nhiều, nhưng do khô hạn nên cây không phát triển được dẫn tới quả bé hơn so với mọi năm. Hạn hán còn làm cành lá cây cà phê khô héo, quả non rụng nhiều, thậm chí có nhiều cây đã chết”, ông Quân cho hay.
Tương tự, vườn cà phê trồng xen canh ngô lai rộng 1,4 ha của gia đình bà Siu H’Niê, thôn 2B, xã Ea Siên, thị xã Buôn Hồ cũng đang phải đối mặt với khô hạn nặng. Bà Siu H’Niê chia sẻ, năm ngoai diện tích này cho thu trên 4 tấn cà phê nhân, 5 tấn ngô hạt, nhưng năm nay khô hạn khiến cà phê bị khô cháy, ngô trồng xen thì đã chết. Thu nhập của gia đình bà Siu H’ Niê chủ yếu dựa vào 1,4 ha đất này, thế nhưng hạn hán đã đốt sạch.
“Nắng nóng khiến ngô chết hết, năm ngoái thu được 20 triệu thì năm nay mất trắng, còn vườn cà phê cũng đang héo lá, rụng quả. Nước đập hiện nay đã khô nứt nẻ, nếu vài ngày nữa không có mưa lớn thì năng suất nông sản sẽ giảm đi rất nhiều”, bà Siu H’Niê than phiền.
Thống kê của UBND xã Ea Siên cho thấy, vụ Đông Xuân năm 2021, toàn xã có gần 2.000 ha cây trồng các loại; trong đó 1.500 ha cây trồng lâu năm là cà phê, hồ tiêu, mắc ca, nhãn còn lại trên 500 ha là cây ngắn ngày gồm lúa, ngô, đậu và nghệ.
Theo ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch UBND xã Ea Siên, tình trạng hạn hán trên địa bàn xã đã diễn ra trong nhiều năm, nhất là vào cao điểm mùa khô. Tuy nhiên, việc hạn hán xảy ra vào giữa mùa mưa như hiện nay là hiếm hoi. Do địa chất đặc thù nên nguồn nước ngầm ở xã rất khan hiếm, nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt chủ yếu từ hai công trình hồ thủy lợi Ea Mích, Ea B’Lang và các ao hồ, sông suối nhỏ. Việc chưa xuất hiện mưa lớn khiến các công trình thủy lợi, ao hồ hay sông suối đã cạn khô.
Hơn nữa, các công trình thủy lợi là hồ Ea Mích và Ea B’lang nhiều năm qua chưa được nạo vét, nâng cấp nên việc tích nước không đạt dung tích thiết kế ban đầu dẫn tới khô hạn khốc liệt hơn. Khô hạn xảy ra không chỉ gây thiệt hại cho gần 2.000 ha cây trồng, mà còn khiến trên 7.500 nhân khẩu trên địa bàn xã thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.
“Hạn hán xảy ra ở xã đã gây khó khăn cho cả việc tưới tiêu cho cây trồng và nước sinh hoạt. Về nước sinh hoạt, UBND xã đã đề xuất lên thị xã Buôn Hồ xây dựng công trình cấp nước tập trung bơm từ hồ Krông Búk Hạ về trạm tại thôn 2A để xử lý cấp nước sinh hoạt cho người dân ở các thôn. Nước tưới cho cây trồng cũng được xã trình các phương án nạo vét, tu sửa nâng và nâng cấp hai công trình hồ thủy lợi Ea Bích và Ea M’lang, hoặc có thể xây thêm các công trình thủy lợi khác để phục vụ việc tưới tiêu cho địa phương”, ông Cường cho hay.
Hạn hán cục bộ xảy ra giữa mùa mưa thể hiện thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan khó lường ở Tây Nguyên./.