Quyết định hạ lãi suất, điều chỉnh tỷ giá của NHNN được các doanh nghiệp và thị trường đón nhận. Không bất ngờ về việc giảm lãi suất, tăng tỷ giá của NHNN, ông Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng: Quan hệ cung cầu trong thời gian qua có nhiều thay đổi, nhu cầu ngoại tệ tăng do các tổ chức tín dụng phải tất toán vàng, một số người dân di chuyển từ VND sang USD để gửi tiền. “Chính vì vậy sức ép tăng tỷ giá đã tăng lên, để nó đúng với trạng thái NHNN đã điều chỉnh tăng 1%. Tuy nhiên, động thái này cũng nằm trong lộ trình của NHNN trong năm nay là dự kiến điều chỉnh từ 2-3%” – ông Lực nói.
Nhận xét về động thái này của NHNN, chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Tăng tỷ giá là động thái tích cực của NHNN cùng với những động thái khác như giảm lãi suất huy động xuống… Các quyết định này được xem như là biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá không phải vì áp lực của thị trường. Vì Việt Nam vẫn chưa có áp lực nhiều từ phía nhập khẩu. “Việc phá giá đồng tiền có thể là một bước định hướng của NHNN chứ không phải là do nhu cầu thị trường” ông Hiếu nhận định.
Ông Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Xuất khẩu của Việt Nam đang dần hồi phục nên nhu cầu ngoại tệ tăng. Vì thế, việc nâng thêm 1% tỷ giá là hợp lý. Mức điều chỉnh này không gây xáo động gì lớn nhưng cũng tạo những yếu tố để phục vụ mục tiêu trên.
Cùng quan điểm này, ông Lực cho rằng, việc tăng tỷ giá có tác động đến xuất khẩu nhưng không nhiều. Nhiều người quan tâm đến việc điều chỉnh tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến nợ nước ngoài của Việt Nam. “Khi NHNN điều chỉnh tỷ giá thì họ cũng phải cân nhắc rất kỹ lưỡng đối với ảnh hưởng này” – ông Lực nói.
Việc tăng tỷ giá sẽ có lợi cho xuất khẩu. Từ đây sẽ tạo công ăn việc làm, tăng sức mua, phục hồi sức sản xuất kinh doanh của DN. “Đây là những thứ lúc này chúng ta đang cần” – ông Cao Sỹ Kiêm nói.
Cũng theo ông Cấn Văn Lực, thời điểm này chưa nên bỏ trần lãi suất huy động USD. Lãi suất huy động USD cũng đã giảm xuống khoảng 0,5%, đây cũng là mức giảm vừa phải vì NHNN vẫn đang chống đô la hóa và tiếptục giảm cho vay vốn bằng ngoại tệ, đặc biệt muốn chặn dòng tiền từ VND sang USD trong thời gian vừa qua.
Ông Cao Sỹ Kiêm cũng khẳng định: Lúc này chưa thể bỏ trần lãi suất huy động USD. Vì hạ lãi tiền gửi VND diễn ra đã khá nhanh cho nên phải làm từng bước không nên co cụm vào một chỗ sẽ tác động không tốt.
Về quyết định hạ lãi suất huy động và cho vay, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Trong lúc này, có hạ hay không thì nhiều NH cũng đã có những lãi suất thấp hơn 7% rồi. Việc hạ lãi suất cũng phù hợp điều kiện thị trường”.
Các chuyên gia không kỳ vọng việc hạ lãi suất sẽ tác động nhiều. Các NH hiện tại đang “úng” vốn, cho nên việc giảm lãi suất cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến nguồn tiền của NH. NHNN cũng đã kéo lãi suất cho vay xuống. Nhưng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề của các DN bây giờ không phải vì lãi suất mà họ không muốn vay mà khả năng tiếp cận của họ không có. “Thành ra, việc giảm lãi suất chắc chắn có tác động nhưng không nhiều lắm” – ông Hiếu nói.
Còn theo ông Cao Sỹ Kiêm, việc hạ lãi suất đã thực hiện được chủ trương của Chính phủ là bắt đầu ép lãi suất xuống để góp phần cứu DN. Đây cũng là thực hiện lời hứa của Thống đốc trước Quốc hội. Trong lúc sản xuất kinh doanh đang khó khăn, nếu giảm được cái gì thì tốt cái đó, lãi suất cũng là một yếu tố.
“Lãi suất đã giảm so với trước rất nhiều nhưng lãi suất cho vay hiện nay so với thế giới thì vẫn còn vào diện cao nhất. DN Việt Nam chưa thể sản xuất kinh doanh có lãi với lãi suất ngân hàng như hiện nay. DN rất khó giảm chi phí từ việc giảm lãi suất” – ông Kiêm nói.
Ông Cao Sỹ Kiêm cũng đánh giá cao việc bỏ trần lãi suất tiền gửi là yếu tố cạnh tranh, chia sẻ của NH với DN, khoảng cách giữa cho vay và tiền gửi đã kéo hẹp lại hơn. “Tất cả những yếu tố này hoạt động đồng bộ thì sẽ cứu được DN, đặc biệt là những DN còn thời cơ, sức sống” – ông Kiêm khẳng định./.