Trong những tuần qua, tiêu điểm của thị trường tài chính là mức lãi suất huy động liên tục giảm, từ 7% xuống 6%. Đúng như kỳ vọng của các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế, thị trường cho vay đã có sự đảo chiều của lãi suất cho vay. Động thái gần đây nhất là một số ngân hàng như Sacombank, BIDV đã bắt đầu hạ lãi suất cho vay ngắn, trung và dài hạn xuống từ 0,5 đến 0,7%.
Tuy nhiên, việc hạ lãi suất chỉ mới dừng lại trong lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và công nghệ cao. Mặt khác, việc hạ lãi suất vẫn chưa đủ để phần đông doanh nghiệp tiếp cận.
TS Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng: “Thị trường và sức mua chưa thể phục hồi nhanh giai đoạn đầu nên khả năng hấp thụ và cơ hội tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.
Theo ghi nhận, mặt bằng chung về lãi suất cho vay ngắn hạn vẫn còn ở mức khá cao, từ 10-12%, chênh mức lãi suất huy động ngắn hạn từ 3-5%. Để tăng tính thanh khoản, các ngân hàng gần đây đã tính tới giải pháp đầu tư vào trái phiếu chính phủ và hạ lãi suất huy động.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian tới, nếu mức lạm phát thấp, trần lãi suất huy động ngắn hạn còn có thể giảm hơn nữa sẽ là tiền đề tác động lãi suất cho vay có khả năng giảm thêm. Và như vậy kỳ vọng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là kéo giảm lãi suất cho vay từ 13-11% xuống 9-11% hoàn toàn có thể thực hiện được./.