Chiều hôm qua (17/3), Ngân hàng Nhà nước đã họp báo công bố các quyết định điều chính các mức lãi suất chủ chốt. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1,2%/năm xuống 1%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng xuống còn 6%/năm so với mức 7%/năm hiện nay.
Các ngân hàng thương mại ngay lập tức cũng đồng loạt giảm lãi suất huy động và cho vay. Sáng nay (18/3), BIDV công bố áp dụng biểu lãi suất huy động và cho vay mới. Theo đó, lãi suất huy động bằng tiền đồng tối đa là 5%/năm với kỳ hạn 1 tháng, 5,5%/năm với kỳ hạn 2 tháng, 6%/năm với kỳ hạn từ 3 đến 5 tháng. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng là 6,5%/năm và trên 12 tháng là 7,5%/năm. Đối với lãi suất không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm.
Song song với giảm lãi suất huy động, BIDV cũng thông báo hạ lãi suất cho vay. Theo đó, trần lãi suất cho vay ngắn hạn tiền đồng đối với 7 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 8%/năm.
Trong khi đó Sacombank áp dụng mức lãi suất 5,7%/năm cho các khoản tiền gửi dưới 50 triệu đồng kỳ hạn 1 tháng, với số tiền gửi trên 50 triệu đồng lãi suất là 5,8%/năm. Kỳ hạn 2 và 3 tháng lãi suất tại Sacombank là 5,7%/năm với khoản tiền gửi dưới 50 triệu đồng, trên 50 triệu đồng lãi suất là 6%/năm.
Còn Ngân hàng Đông Á áp dụng lãi suất chỉ 0,4%/năm cho lãi suất không kỳ hạn, thấp hơn 0,6%/năm so với trần quy định. Lãi suất kỳ hạn 1-3 tuần cũng chỉ từ 0,5-0,6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 và 2 tháng cũng thấp hơn từ 0,1-0,2%/năm so với trần quy định, ở mức 5,8%/năm và 5,9%/năm. Còn các kỳ hạn từ 3-5 tháng lãi suất kịch trần 6%/năm.
Các kỳ hạn dài hơn, nhiều ngân hàng cho biết vẫn duy trì như trước khi Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất để theo dõi động thái từ thị trường.
Tuy nhiên, sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng ANZ Việt Nam đã có báo cáo nghiên cứu cho rằng việc cắt giảm lãi suất huy động sẽ ít có ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng tín dụng.
ANZ cho rằng, vấn đề của các ngân hàng hiện nay chính là tỷ lệ nợ xấu cao, mà theo ước tính của Moody's lên tới 15%, trong khi con số chính thức khoảng 3,79%. Theo ngân hàng này, sự chậm trễ ít nhất 6 tháng việc áp dụng phân loại nợ mới theo Thông tư 02 gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống ngân hàng và dường như sẽ có khả năng có sự che dấu mức độ rủi ro của nợ xấu trong các ngân hàng.
Giống như ANZ, HSBC cũng không cho rằng các điều kiện tín dụng sẽ có thay đổi lớn sau khi Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất./.