NHNN đã quyết định hạ một số lãi suất chủ chốt bắt đầu từ hôm nay (18/3). Lãnh đạo một số NH thương mại đã đánh giá tác động của quyết định này đối với nền kinh tế.

Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng: Quyết định hạ trần lãi suất là hợp lý với các chỉ số kinh tế 3 tháng đầu năm. Việc hạ trần lãi suất xuống thấp cũng sẽ xảy ra hiện tượng có nhiều người đi rút tiền đầu tư chứng khóan, bất động sản vì vốn gửi kỳ hạn ngắn tạm thời sẽ được rút ra lướt chứng khoán.

ong-huongr.jpg
Ông Nguyễn Đức Hưởng

Hạ trần lãi suất lần này giảm được nguồn ngắn hạn và tăng nguồn cung dài hạn. Đồng thời, tạo mặt bằng lãi suất mới cả cho vay lẫn huy động. Đây là nền tảng như “thuyền và nước” khi nước xuống thì thuyền cũng xuống theo. Khi lãi suất huy động giảm thì lãi suất cho vay cũng hạ theo.

Tuy nhiên, điều các NHTM đang quan tâm là việc trước đây cho ai vay và vay để làm gì còn hiện nay thì thêm là vay để làm gì và làm để làm gì. Mặc dù lãi suất có giảm nữa nếu không kích cầu thì lãi suất có hạ nữa thì DN cũng không vay. Do vậy, cần phải kích thích tài chính công, khuyến khích thị trường phát triển thì DN mới vay vốn để sản xuất kinh doanh. Với tình hình như hiện nay thì NH vẫn thừa vốn.

Nếu chỉ trông chờ vào chính sách tiền tệ thì không hiệu quả khi lãi suất đã hạ tới 9 lần rồi. Vấn đề lãi suất không còn là khó khăn của DN nữa. Vấn đề còn lại là cầu. Để giải quyết bài toán này, chúng ta phải sớm nới room trên TTCK để thu hút các nguồn vốn khác; đẩy mạnh đầu tư công. Vì trong lúc này, huy động vốn là dễ nhất để có thể tăng đầu tư công.

Lãi suất cho vay như thế nào là hợp lý với trần lãi suất huy động ngắn hạn 6%? Hiện nay, chúng tôi đang cho vay nhiều món chỉ 6%/năm. Không phải chỉ căn cứ 6%/năm thì cho vay 8%/ năm. Có món cho vay thấp, nhưng cũng có món  cao. Trong giai đoạn hiện nay có DN vay, có hiệu quả là rất tốt rồi.

Ông Trần Xuân Hoàng – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): Việc hạ lãi suất là hoàn toàn hợp lý, vì từ đầu năm tới giờ tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các NHTM vẫn cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Như vậy, cần phải có sự tác động như thế nào đó để tạo sự cân bằng hợp lý và hiệu quả sử dụng vốn của NH khi huy động vốn vào và cho vay.

Ông Trần Xuân Hoàng

Hạ lãi suất huy động là tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, kích thích tăng trưởng tín dụng. BIDV đã chuẩn bị phương án này, từ đầu tháng 2  đã tạo điều kiện nội bộ cho các chi nhánh hạ lãi suất huy động. Với dự báo giảm lãi suất như vậy, nguồn tiền gửi kỳ hạn dài thời gian vừa qua tăng mạnh.

Việc hạ lãi suất huy động ảnh hưởng mức độ nào đó đến việc huy động vốn, có giảm nhưng không nhiều mà vẫn duy trì được nguồn đáp ứng nhu cầu của bộ phận tín dụng.

Tổng giám đốc Sacombank - ông Phan Huy Khang:Lạm phát giảm, thanh khoản dư thừa nên quyết định giảm lãi suất của NHNN là hợp lý. Vì có thể NHNN muốn tạo động lực để dòng tiền chuyển sang kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản. Thực tế, quyết định giảm trần lãi suất lần này của NHNN sẽ không ảnh hưởng nhiều đến dòng tiền gửi vào ngân hàng, bởi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn là thoả thuận. Hơn nữa, quyết định giảm lãi suất lần này thực tế không tác động nhiều đến việc cắt giảm chi phí đầu vào cho ngân hàng.

Tuy nhiên, Sacombank sẽ cân đối để giảm lãi suất cho vay. Thực tế, thời gian qua lãi suất cho vay của Sacombank đã giảm rất nhiều, đặc biệt là các gói tín dụng ưu đãi cho từng đối tượng doanh nghiệp cụ thể.

Đại diện Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS): Động thái này theo chúng tôi là hợp lý và phù hợp với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tốt ở mức thấp (Chính phủ hạ mục tiêu lạm phát cả năm xuống 6%, VCBS kỳ vọng con số này vào khoảng 5,5%-6%) và thanh khoản hệ thống đang khá tốt trong khi tăng trưởng tín dụng chưa được đẩy mạnh.

Việc lãi suất huy động có có xu hướng giảm nhẹ sẽ là điều kiện thuận lợi để mặt bằng lãi suất cho vay giảm theo sau đó. Tuy nhiên chúng tôi cũng nhìn nhận rằng hiện tại động lực để các ngân hàng cắt giảm thêm lãi suất cho vay là không nhiều. Như đã nhiều lần đề cập, việc các ngân hàng “bí” đầu ra chủ yếu là do vấn đề nợ xấu cũng như sức khỏe và khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp nói chung chứ không phải là do lãi suất chưa hợp lý. Hơn thế nữa, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, đa số các doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn ngân hàng trong thời gian qua, yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, phần nhiều được vay với lãi suất khá ưu đãi khoảng 7%-8%, theo đó dư địa để có thể giảm thêm từ mức này là rất ít. Như vậy, nếu việc giải quyết nỡ xấu không có những chuyển biến rõ rệt thì việc giảm lãi suất cho vay, nếu có, sẽ chủ yếu đến từ các khoản vay cũ.

Đứng từ góc độ thị trường chứng khoán, việc thị trường tăng điểm mạnh kèm theo sự cải thiện rõ rệt của thanh khoản trong hai tháng đầu năm phải kể đến hiệu ứng “dòng vốn rẻ” trong bối cảnh nền kinh tế duy trì sự ổn định và triển vọng phục hồi tốt hơn. Như vậy, trần lãi suất huy động tiếp tục giảm thêm là một thông tin khá tích cực, thị trường chứng khoán được kỳ vọng sẽ tiếp tục có sức hấp dẫn tốt và thu hút thêm dòng tiền. Thông tin này, có thể sẽ là một cú hích giúp thị trường vượt qua ngưỡng cản tâm lý 600 điểm ngay trong tuần tới.

Ông Mai Hồng Bàng, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc CTCP Vinavico: Quyết định giảm trần lãi suất của NHNN chắc chắn sẽ đẩy lãi suất cho vay giảm. Vì hiện tại, công ty tôi vẫn phải vay với lãi suất 11%/năm cho hạn mức 10 tỷ đồng. Việc giảm lãi suất cho vay sẽ giúp DN cắt giảm chi phí tài chính. Quyết định này là rất tốt với doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu DN không tiết cận được thì quyết định này không có nhiều ý nghĩa.

Thực tế, hiện DN rất khó tiếp cận vốn, vì ngân hàng chỉ cho vay khi có tài sản thế chấp. Hiện công ty đang dùng tài sản là xe và bất động sản của lãnh đạo doanh nghiệp để thế chấp vay 10 tỷ đồng. Nếu được cho vay thì với nhu cầu đầu tư nhà máy của công ty thì cần khoảng 30 tỷ. Tuy nhiên, hiện ngân hàng không nhận tài sản thế chấp là máy móc nhà xưởng như trước đây nên rất khó vay. Rất hy vọng bên cạnh việc giảm lãi suất, ngân hàng có thể xem lại điều kiện cho vay để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn./.