Quyết định hạ lãi suất của NHNN hôm nay chính thức có hiệu lực. Người gửi tiền đặc biệt quan tâm đến việc lãi suất tiền gửi chỉ còn 6%. Nhiều nhân viên ngân hàng cho biết, đã phải giải thích khá nhiều với khách hàng về lãi suất mới, tuy nhiên nhiều người rất buồn vì mức lãi suất xuống thấp.

Trao đổi với chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu về câu chuyện lãi suất, ông cho rằng: “Lãi suất huy động giảm 1% là nhiều dù ở Việt Nam lãi suất huy động là cao so với thế giới. Chẳng hạn, tại Mỹ, một người gửi tiền được hưởng lãi suất từ 0,2-1% tùy vào loại gửi tiền và số tiền. Nhưng tối đa là khoảng 1% còn không thì chỉ 0,2%”.

nguyen-tri-hieu.jpg

Ông Hiếu đưa ra tính toán của mình: Việc giảm 1% của lãi suất huy động đối với nhiều người là thiệt hại lớn. Những người có số tiền nhỏ khoảng vài triệu đồng thì số tiền hụt đi không đáng kể, nhưng nếu họ có số tiền lớn khoảng 1 tỷ đồng thì tính ra mỗi tháng họ chịu thiệt 900.000 đồng/tháng, người nào có số tiền gửi khoảng 10 tỷ thì số tiền thiệt là 9 triệu đồng/tháng.

“Tuy nhiên, đây là quyết định đúng đắn của NHNN để tạo cơ sở giảm lãi suất cho DN vay và cho nền kinh tế” – ông Hiếu khẳng định.

PV: Trong khi đầu tư vào các kênh khác thì còn nhiều rủi ro, lãi suất tiền gửi giảm, theo ông, người có tiền nhàn rỗi nên chọn kỳ hạn, cách thức nào cho hiệu quả?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Lãi suất trần chỉ áp dụng cho những kỳ hạn đến 6 tháng, từ 6 tháng trở đi là lãi suất thỏa thuận giữa khách hàng và ngân hàng. Lãi suất từ trên 6 tháng vẫn rất tốt, từ 6,5-9% tùy theo kỳ hạn. Nếu khách hàng thương lượng để gửi được những kỳ hạn càng dài thì lãi suất càng cao.

Hoặc có thể phân bổ tiền ra thành nhiều kỳ hạn, một số để ở kỳ hạn ngắn, một số để ở kỳ hạn dài hơn… để vẫn có lợi. Còn dĩ nhiên, với những người còn phải sử dụng tiền cho chi phí sinh hoạt vẫn phải gửi ở kỳ hạn ngắn thì phải chịu thiệt thòi hơn.

PV: Với việc đưa ra qui định mới về lãi suất, theo ông NHNN đã tính đến xu hướng của các dòng tiền?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: NHNN đã tính đến tất cả, có thể nhìn thấy những gì sẽ xảy ra khi lãi suất huy động giảm. Một trong những vấn đề chắc chắn NHNN đã tính đến là liệu dòng tiền có thể dịch chuyển từ NH sang những kênh đầu tư khác không khi lãi suất giảm mạnh sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư lớn. Nhưng theo quan sát hiện tại, với 5 lĩnh vực đầu tư (tiền gửi ngân hàng, chứng khoán, vàng, bất động sản và ngoại tệ) thì có lẽ kênh đầu tư tiền gửi vào ngân hàng vẫn an toàn và có lợi nhuận đáng kể.

PV: Nếu chỉ số lạm phát còn giảm thì theo ông có còn “room” để hạ trần lãi suất?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Thực sự là có. Trong 2 tháng đầu năm, chỉ số lạm phát ở mức 1,4-1,6%, so với cùng kỳ năm ngoái vào khoảng 4,65%, tức là chỉ số lạm phát vẫn thấp hơn mức lãi suất mới công bố là 6%, vẫn là lãi suất thực dương. Nếu lạm phát từ nay tới cuối năm duy trì ở mức thấp thì vẫn có khả năng lãi suất huy động được kéo xuống, lãi suất cho vay cũng có thể được kéo xuống.

Tuy nhiên, kịch bản nền kinh tế sẽ ấm dần lên trong những quý tới thì nhiều hơn. Nếu một nền kinh tế ấm dần lên thì tổng cầu sẽ tăng, do đó chỉ số lạm phát khó giữ được ở mức hiện tại. Nếu lạm phát cao hơn lãi suất huy động thì khả năng kéo lãi suất huy động và cho vay xuống sâu hơn nữa là rất giới hạn. Tôi nghĩ rằng, room kéo lãi suất xuống từ nay tới cuối năm là ít, trừ trường hợp lạm phát hoặc giảm phát.

PV: Hiện tại, nhiều NH đang dư thừa tín dụng. Theo ông, phải làm gì để khơi thông nguồn vốn này?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Trong nền kinh tế đang trì trệ thì có nhiều DN có cho vay họ cũng chẳng vay. Nếu có hạ về mức lý tưởng là 5% thì họ cũng không vay, vì hàng tồn kho của họ còn nhiều. Với nhiều DN, lãi suất cho vay hiện tại không phải là vấn đề. Vấn đề quan trọng là phải bán được hàng.

Một số DN vẫn khát vốn, cần tiền nhưng sức khỏe tài chính lại yếu kém, tài sản bảo đảm, thế chấp lại không có. Họ có muốn vay cũng không được. Chính vì thế, giảm lãi suất (huy động – cho vay) chỉ là một trong những biện pháp giúp tháo gỡ khó khăn cho DN, tăng trưởng kinh tế. Kèm theo đó phải có các giải pháp hỗ trợ như giảm thuế, chính sách đầu tư công, đến những chương trình bảo lãnh tín dụng… thì mới có thể đẩy nền kinh tế ra khỏi tình trạng trì trệ.

PV: NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là 12-14%. Theo ông mục tiêu này có đạt được?

Ông Nguyễn Trí Hiếu: Có lẽ, mục tiêu đặt ra dù là khả thi nhưng không phải dễ dàng đạt được. Từ đầu năm tới giờ, huy động tăng lên gần 2% thì tăng trưởng tín dụng lại âm 1% (đến 13/3). Từ thời điểm này đến cuối năm phải tăng 12-14% thì không phải là nhiệm vụ dễ dàng cho toàn ngành ngân hàng. Tuy nhiên, nó vẫn khả thi nếu nền kinh tế ấm lên trong những tháng tới. PV:

Xin cảm ơn ông!

“Nhân viên NH phải giải thích với khách hàng nhiều hơn ngày thường. Nhưng nói chung khách hàng gửi tiền rất buồn. Phần đông khách hàng đến gửi tiền đều đã ở tuổi nghỉ hưu rồi nên chỉ thích gửi tiết kiệm. Họ mong muốn lãi suất hợp lý. Còn những người đã tham gia đầu tư thì họ không quan tâm đến lãi suất tiền gửi” – một nhân viên của Techcombank cho biết.