Quyết định hạ một loạt lãi suất chủ chốt của NHNN được các chuyên gia kinh tế đánh giá là đúng đắn. Tuy nhiên, nhiều khách hàng gửi tiền cho rằng, với việc hạ trần lãi suất huy động 1% NH, đang “bắt nạt” người gửi tiền vì không khống chế lãi cho vay. Điều này có nghĩa, lãi suất cho vay vẫn tiếp tục được xác định chủ yếu trên sức khỏe và triển vọng của doanh nghiệp chứ không phải bởi sự cắt giảm 1 điểm phần trăm lãi suất huy động.
Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cũng đã khẳng định: “NHNN không quy định trần lãi suất cho vay mà dành quyền chủ động cho TCTD trong việc xem xét cho vay, xác định các mức cụ thể dựa trên cơ sở xem xét dự án vay, khả năng tài chính, luồng tiền và khả năng thu nợ khách hàng”.
Về vấn đề này, ông Đoàn Trọng Lý - Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex cho rằng: “NHNN áp qui định hành chính để hạ lãi suất đầu vào nhưng lại không qui định đến thời điểm nào thì các NHTM phải hạ đầu ra (cho vay). Cho nên, việc hạ lãi suất chẳng qua chỉ tạo điều kiện cho các NHTM thôi. Điều này khiến DN thất vọng. Đáng lẽ, NHNN phải đưa ra lộ trình sau bao nhiêu ngày các NHTM phải hạ trần lãi suất cho vay thì mới có ý nghĩa đối với DN và nền kinh tế”.
Quan điểm của ông Đoàn Trọng Lý cho rằng, đã qui định ngưỡng huy động là bao nhiêu thì phải có điều kiện cho vay là bao nhiêu. NHNN có trần đầu vào mà không có trần đầu ra, như vậy là không minh bạch. Các NHTM hoàn toàn có thể kiểm soát được trần đầu vào nhưng NHNN phải kiểm soát trần đầu ra. Huy động được bao nhiêu % là tùy thuộc vào sức khỏe, uy tín của NH, còn anh muốn khống chế trần lãi suất đầu ra để cạnh tranh, phải ở bao nhiêu phần trăm để DN hấp thụ được. Nếu đã áp qui định hành chính thì phải hành chính hết.
Theo quan sát của ông Đoàn Trọng Lý về nhu cầu vay vốn của DN thì “ai cao thì vẫn cao” chứ không thể đánh đồng tất cả DN.
Với mức lãi suất cho vay như hiện nay, ông Lý cho rằng, DN biết làm gì có lãi để trả với lãi suất 9-10% là thấp nhất và được ưu tiên, trong khi hàng hóa sản xuất phải cạnh tranh với các DN ở nước khác chỉ phải trả lãi suất 2-3%. Lãi suất bây giờ đã cải thiện so với thời kỳ đã “đánh chết” 70-80% DN nay đã hạ nhưng không phải đã được cải thiện. Chúng ta so với chính mình nhưng cũng phải so với thế giới và khu vực nữa. Vì hàng hóa làm ra cũng phải bán ra thị trường, phải cạnh tranh với cả hàng hóa trong nước và hàng nước ngoài nhập về. “Vậy thì với lãi suất mà các DN nước ngoài đang vay thì các DN trong nước sao cạnh tranh được? DN nước ngoài rót vốn vào đây chỉ mong tất cả lãi bằng được lãi suất huy động của VND là đã thắng rồi chứ chưa nói đến chuyện cho vay ra” – ông Lý nói.
Tuy nhiên, khi nói rằng “Lãi suất đầu ra có thể thỏa thuận với NH, ông Lý bức xúc: “Ai thỏa thuận được với NH khi mà một anh cần và một anh có thì đời nào người ta thỏa thuận với mình.
Trở lại câu chuyện của chính ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, ông Đoàn Trọng Lý khẳng định: “Rất khó khăn. Điều này cũng có nghĩa là các DN đi theo nó cũng khó. Người chăn nuôi thua lỗ vì sản xuất tự phát, không có kế hoạch, nên khi thừa, khi thiếu. Hiện tại đang khủng hoảng thừa. Ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi phát triển rất mạnh, cũng đồng nghĩa với việc lỗ rất mạnh”.
Hiện tại, “ngành thức ăn chăn nuôi được vay ưu đãi với mức 9%, còn các DN ở nhiều lĩnh vực khác vẫn phải vay ở mức 13-20%” – ông Đoàn Trọng Lý cho biết thêm.
Khi nói về câu chuyện lãi suất và khó khăn của DN hiện nay, TS Cao Sỹ Kiêm – Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ Việt Nam cho rằng: DN có vay được hay không không phải chỉ mắc ở lãi suất mà nó tắc lại ở sức mua, sự rủi ro, khả năng sử dụng vốn có hiệu quả hay không… Giải quyết được các bài toán này cộng thêm với lãi suất nữa thì mới giải quyết được vấn đề. Lãi suất bây giờ không còn là yếu tố quan trọng, quyết định như những lần trước.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc hạ lãi suất này không nhất thiết làm hạ mặt bằng lãi suất chung (cả huy động và cho vay) nên còn quá sớm để nói các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi khi lãi suất huy động đã bị giảm đi, nhất là với các khoản vay đầu tư dài hạn./.